Ở quê tôi, người ta thường hay nói với nhau, một khúc của nhánh sông Côn chảy về đập Thạnh Hòa có tên gọi Trường Thi, là nơi in đậm những mối tình thơ mộng, lãng mạn của nhiều thế hệ học trò ở những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Và, tôi được biết khúc sông Trường Thi ấy cũng là hình ảnh tạo cảm xúc cho nhà thơ Yến Lan khi còn rất trẻ viết bài Bến My Lăng bất hủ! Ở tuổi mười chín, hai mươi, tôi chưa cảm nhận hết được những cái tuyệt vời trong thơ ông, nhưng tên gọi Trường Thi - bến My Lăng, lại cho tôi những cảm giác khát khao được đến đó để hụp lặn, vẫy vùng dưới làn nước trong xanh, mát rượi vào mỗi chiều khi tan học. Và tôi thường đến đó, nằm phơi mình trên đám cỏ dọc bên sông, cùng bè bạn đàn hát cho đến khi trời nhá nhem tối mới đạp xe về nhà. Và, duyên số mầu nhiệm đã đưa em đến với tôi để hai đứa mãi mãi ghi tên mình trong khúc sông ấy như một bản tình ca đẹp.
Tôi và Diệp quen nhau trong đợt hội diễn văn nghệ của trường. Diệp học lớp mười, còn tôi lớp mười hai. Rất tình cờ, trước đó, Diệp đến nhờ tôi tập một bài hát do em thể hiện, và đệm đàn giùm cho em trong đêm hội diễn. Sau này, tôi và Diệp trở thành đôi bạn thân, thường rủ nhau ra quán chè chuối trước cổng trường ngồi nhẩn nha kể cho nhau nghe bao thứ chuyện của lớp, của trường. Và những lần như thế, Diệp thường lấy trong cặp đựng sách vở một cành hoa Ngọc Anh tặng cho tôi - những cánh hoa màu trắng, xinh xinh. Cứ đến ngày chủ nhật, tôi lại đèo Diệp đi chơi trên chiếc xe đạp cà tàng của mình, hết tháp Cảnh Tiên, tháp Bánh Ít... lại đến các vùng quê Cây Bông, An Thái, Tân Dân... Những lần như thế, tôi luôn mang theo cây đàn ghi-ta, còn Diệp thì trong chiếc túi xách của mình, em luôn chuẩn bị đầy đủ bánh mì, bánh tráng, xì dầu, dưa leo, đậu hũ, trứng vịt, kẹo... đặc biệt là cành hoa Ngọc Anh.
- Sao em thích hoa Ngọc Anh vậy? Có lần tôi hỏi Diệp.
- Em thích vì nó trắng. Mà anh có thích màu trắng không? Em thấy màu trắng đẹp, xinh xắn, tinh khôi.
- Em nói như thơ vậy! Lần sau anh sẽ đưa em đến một nơi để em tha hồ mơ mộng.
Diệp cười, một nụ cười hồn nhiên - đằm thắm.
Một buổi sáng chủ nhật cuối đông, tôi và Diệp đến với khúc sông được gọi là Trường Thi. Dòng nước trong xanh, lấp lánh dưới ánh nắng vàng. Gió se lạnh. Tiếng lá tre ngân reo trong gió. Nhìn những cành trinh nữ như e ấp thẹn thùng khi luồng gió nhẹ chạm vào, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về hai cây Hà Thủ Ô, một xanh, một đỏ. Tôi say sưa kể cho Diệp nghe: Thời xa xưa, xưa lắm, chúng sống kề cận nhau như mọi cỏ cây khác giữa núi rừng, nhưng đặc biệt vào những đêm trăng sáng, chúng lại quấn vào nhau như những đôi nam nữ yêu nhau, thổn thức, run rẩy tan hòa vào nhau đến tận cùng sự rung động của hai trái tim khát khao cháy bỏng... Bất chợt, tôi nhận ra Diệp đang ngồi nép vào tôi. Tim tôi đập mạnh. Người tôi như đang chìm vào một thế giới khác. Bởi vì ngay giờ phút ấy, tôi cảm nhận được hai đứa như mơ thấy mình là hiện thân của hai cây Hà Thủ Ô lãng mạn, thủy chung…
- Anh, hoa của em đâu? Anh mà làm hư nó, em sẽ bắt đền anh đấy!
Diệp líu ríu nói trong bẽn lẽn. Tôi như người vừa bước ra sau một cơn say dịu êm, nồng nàn.
- Em đã tặng hoa cho anh rồi mà! Nó vẫn còn nguyên và đang ở trên thùng đàn ghi-ta kìa!
- Anh, ước gì... hai đứa mãi như thế này! Bây giờ anh hát cho em nghe đi, cái bài mà anh viết về hoa Ngọc Anh đó, kể chuyện gì mà... thấy ghét!
Tôi hát, hát trong cảm xúc dâng trào thật khó tả, hát với cung bậc của trái tim đang chạm vào cửa ngõ của tình yêu, hát như tiếng hót của chú chim non lần đầu tiên rời tổ mẹ tung bay trên bầu trời đầy nắng và gió. Diệp mân mê cành hoa Ngọc Anh, nhìn về phía con đò chở khách sang sông đang cập bến... Tôi và Diệp ngất ngây, như đang mơ về một nơi mà ở đó chỉ có hoa Ngọc Anh, một cặp đôi Hà Thủ Ô cùng những đêm trăng... Riêng tôi như mênh mang cái cảm giác bồng bềnh, hạnh phúc quá đỗi bất ngờ, bởi đó là những xúc cảm đột ngột chưa từng đến với tôi, mặc dù mùa hè tới tôi sẽ rời khỏi nhà trường phổ thông, sẽ không còn những ngày chủ nhật được ở bên Diệp, được hò hẹn, được cùng đèo nhau đi khắp nẻo đường quê.
- Về đi anh, đã trưa rồi, nếu quá mười hai giờ, em sẽ bị đòn!
Diệp nói nho nhỏ nhưng cũng đủ đưa tôi về với thực tại. Tôi nói vui:
- Má đánh bao nhiêu roi, sau hai tiết đầu ngày mai, em đánh lại anh mà!
- Em hổng dám đâu! Ai mà đánh anh thì có mà chết với má anh. Đúng là bác gái cưng anh dễ sợ. - Diệp vừa nói vừa lấy ngón tay út ấn nhẹ vào trán tôi.
Diệp nói làm tôi nhớ, đó là cái đêm trường diễn văn nghệ, thấy khuya mà tôi chưa về, bà đến tận trường và mang theo một cặp bánh ít lá gai cho tôi ăn vì sợ tôi đói bụng, hơn nữa đây là loại bánh mà tôi thích nhất. Lúc ấy Diệp đang đứng cạnh tôi sau khi hát xong xuống khỏi sân khấu nên chứng kiến từ đầu đến cuối.
- Bác ơi, ảnh sướng thiệt, lớp mười hai mà cứ như học sinh lớp sáu không bằng. - Diệp chọc tôi, rồi không biết từ đâu em có sẵn, lấy đưa tôi một cành hoa Ngọc Anh.
- Anh, anh có nghe em nói hông? Anh đang làm thơ sao?
Diệp ngắt vào hông tôi một cái thật đau. Tôi giật mình. Nắng trải vàng một khúc sông. Đã quá trưa rồi. Tôi nhìn Diệp, cười:
- Rồi, mời người đẹp của anh lên xe!
- Bộ gan dữ ta, ai là người đẹp của anh hé? Không phải thấy người ta... hiền, mà làm dóc đó nghen!
Tôi cười trừ, vội vàng đứng lên dắt xe đạp. Diệp nhìn tôi như muốn nói điều gì đó nhưng lại thôi không nói. Thật ra lúc trước tôi có linh cảm là gia đình Diệp không muốn Diệp quen với tôi nên những chủ nhật gần đây tôi không đến nhà Diệp để đón em nữa mà phải hẹn gặp tại cổng trường rồi mới đi. Và, tôi cũng không đưa em về tận nhà được nữa.
Sáng hôm sau, học xong hai tiết đầu, vừa ra cửa lớp, tôi đã thấy Diệp ôm cặp đứng cạnh cây phượng sát dãy phòng học phía tây. Vẫn chiếc áo dài trắng của buổi sáng đầu tuần, nhưng hôm nay trông Diệp buồn buồn làm sao. Tôi nhận cành hoa Ngọc Anh từ tay Diệp. Sân trường rộn rã tiếng cười đùa. Diệp vẫn không nói gì.
- Anh làm điều gì làm em giận sao?
Tôi hỏi thật nhỏ như sợ làm đau những lá phượng xanh xanh non nớt kia.
- Không đâu, má mắng em vì đi chơi với anh, bỏ bê chuyện học. Hơn nữa, anh cũng cần lo học để thi tốt nghiệp. Má nói thế!
- Như vậy thì đâu có gì để em phải buồn vậy?- Tôi gặng hỏi.
- Chủ nhật em không được đi chơi nữa. Má nói, đi nữa má đánh đòn.
Diệp vừa nói vừa bứt những lá phượng, mân mê và ném ra xa một cách bâng quơ.
- Thì mình đi chơi bữa khác, đâu nhất thiết phải là chủ nhật? Hãy cười lên, bạn bè đang nhìn hai đứa kìa, chúng đang theo dõi anh và em có bồ nhau không đấy. -Và tôi cố tình trêu chọc Diệp bằng cách bước tới sát người em, đưa tay nắm nhẹ một góc của vạt áo dài.
Diệp đỏ mặt, lúng túng: "Anh, anh làm gì vậy? Đứng xê ra một chút coi, đồ quỷ! Lại dám nắm áo người ta nữa chứ!"
- Anh đùa một chút cho vui vậy mà!- Tôi đổi giọng: "Nè, em biết không, tối qua anh học không vô một chữ mà cũng không ngủ được."
Diệp càng đỏ mặt, thẹn thùng, ấp úng, nói lí nhí: "Tại anh hết đó, đâu phải một mình anh... Ghét nẫu thiệt! Người đâu mà..."
Tiếng kẻng vào lớp của hai tiết sau vang lên đã giúp tôi thoát được tình huống khó xử, không thể lý giải với Diệp bởi chuyện hôm chủ nhật vừa rồi trên khúc sông Trường Thi.
Thời gian qua đi, ngày này sang ngày khác, tôi và Diệp càng gắn bó nhau hơn, thường hay đứng dưới cây phượng trong sân trường sau những tiết học được giải lao, hoặc ngồi nán lại ở quán chè trước trường, mặc dù không còn đi chơi vào ngày chủ nhật nữa. Rồi, chuyện gì đến cũng sẽ đến. Những cánh hoa phượng chen nhau khoe sắc đỏ thắm, tiếng ve râm ran báo hiệu mùa chia tay. Tôi thay mặt các bạn học khối lớp mười hai hát bài Hoa Ngọc Anh trong đêm văn nghệ cuối năm học. Tuy nhiên, lần này tôi sửa lại một số ca từ cho phù hợp với những hình ảnh tạm biệt, chia tay của những mối tình nhẹ nhàng, lãng mạn, khó quên tuổi học trò, trong đó có những câu:
... Bao giờ anh xa mái trường
Em hỡi đừng nhớ đừng thương
Bao giờ phượng rơi đỏ trường
Em hỡi đừng khóc lìa tan
Bao giờ anh vào đại học
Em hỡi, em hỡi, xin mãi nhớ cánh hoa Ngọc Anh...
Khi hát xong, và vừa bước xuống khỏi sân khấu đêm diễn, tôi đã kịp nhận ra Diệp đang đứng một mình dưới gốc cây phượng, trên tay một cành hoa Ngọc Anh. Tôi vội chạy đến. Diệp nắm lấy tay tôi, nói trong nưóc mắt:
- Anh đổi lại lời bài hát, em nghe buồn quá, em không chịu nổi!
- Em biết không, khóc xấu lắm. Nè, cho anh mượn chiếc khăn đi.
Tôi vừa nói vừa rút chiếc khăn trong tay Diệp chặm những giọt nước mắt trên khuôn mặt em.
- Mai này dù anh học Sài Gòn hay Đà Lạt, nhớ phải viết thư cho em đấy nhé! Không là em giận, không ngó mặt luôn. - Diệp nguýt dài một cái trông rất đáng yêu.
- Anh hứa, nhưng...
- Nhưng sao anh?- Diệp giật mình.
- Hai đứa kiếm chút gì ăn vì hồi chiều anh chỉ ăn qua loa, sợ no hát không được.
- Tưởng gì làm em lo. Em cũng đang đói đây!
Diệp vừa nói vừa kéo tôi ra cổng trường. Và bỗng nhiên, Diệp ghé sát vào tai tôi, nói nhỏ:
- Sáng mai, hai đứa ra Trường Thi chơi nghe anh. Đã lâu lắm anh và em chưa trở lại đó.
- Ừ, sáng gặp tại cổng trường, em nhé!
Sáng hôm sau, tôi y hẹn nhưng chờ mãi đến gần mười giờ trưa không thấy Diệp, vừa buồn vừa giận, tôi về trong trạng thái trống vắng như mình vừa đang mất mát một điều gì đó rất đỗi thân thiết. Sau này tôi được biết khuya hôm đó má Diệp đau nặng, chuyển gấp vào Sài Gòn nên Diệp cũng đi theo và không kịp báo cho tôi biết. Còn tôi thì sau đó tập trung ôn lại bài vở để thi tốt nghiệp. Không ngờ, khi tôi đang học ở Đại học Đà Lạt, định mệnh khắc nghiệt đã cướp em khỏi tầm tay tôi vì một cơn bạo bệnh một năm sau đó.
Khúc sông Trường Thi bây giờ không còn tiếng gọi đò, không còn con đò chở khách sang sông, thay vào đó là cây cầu bê tông kiên cố bắc ngang, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh buổi sáng cuối đông tôi kể chuyện và đàn hát cho Diệp nghe bên khúc sông này. Dù đã hơn ba mươi năm, trong tôi vẫn còn thổn thức một kỷ niệm đẹp, trinh nguyên của tuổi học trò với cành hoa Ngọc Anh mà Diệp luôn dành tặng cho tôi.
N.H.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét