Nhà thơ Phạm Hổ
1. Tiến sĩ Lê Nhật Ký trong bài
viết Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng,
nhận định: Một nét riêng độc đáo trong nghệ thuật trữ tình Phạm Hổ là chủ đề
tình bạn. Đây là chủ đề nổi bật và quan trọng trong toàn bộ sáng tác của Phạm Hổ
dành cho trẻ em nói chung, và trong thơ thiếu nhi của ông nói riêng.
Dễ nhận thấy,
tình bạn là chủ đề phổ biến trong văn học thiếu nhi. Bởi cùng với tình cảm gia
đình, tình bạn là thứ tình cảm gần gũi, thân thương nhất của trẻ. Trẻ con là lứa
tuổi luôn khát khao, cần đến tình cảm này. Phạm Hổ nắm bắt được đặc điểm tâm lí
lứa tuổi trên nên ông rất quan tâm và viết nhiều về chủ đề tình bạn. Chính nhà
thơ đã có lần thừa nhận: “Tôi đặc biệt chú ý đến tình bạn trong đời sống con
người. Trong hơn 10 tập thơ viết cho các em, đã có 6 tập”. Tình bạn vì thế trở
thành chủ đề xuyên suốt, thành công trong thơ viết cho thiếu nhi của ông, bên cạnh
một chủ đề khác cũng rất thành công là tình mẫu tử.
2. Đọc thơ
thiếu nhi của Phạm Hổ, dễ nhận thấy “cảm hứng tình bạn như một dòng chảy tuôn
trào mang những hạt phù sa màu mỡ vào cánh đồng thơ” của ông (Lê Nhật Ký). Thể
hiện cảm hứng này, nhà thơ hướng chủ ý nghệ thuật của mình vào việc xây dựng chủ
đề tình bạn trong các sáng tác. Chủ ý nghệ thuật này được thể hiện ngay ở nhan
đề nhiều tập thơ, bài thơ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhà thơ thường xuyên sử
dụng các từ “bạn”, “người bạn” để đặt tên cho các tác phẩm: Những người bạn lặng lẽ, Những người bạn ồn ào, Bạn trong vườn, Chú bò tìm bạn,… Một dấu hiệu nữa ở nhan đề là việc nhà thơ thường
xuyên sử dụng cấu trúc A và B làm tên
gọi của bài thơ, như ở các tác phẩm Rong
và cá, Hoa và bướm, Ngỗng và vịt, Mèo và tro bếp... Trong cấu trúc này, A và B vừa bình đẳng về chức
năng ngữ pháp vừa có mối liên hệ gần gũi, do đó, dễ gợi lên tiền giả định A và
B là bạn của nhau. Thực tế là, hầu hết những tác phẩm có nhan đề theo cấu trúc
này đều là những tác phẩm viết về chủ đề tình bạn.
3. Không chỉ
được thể hiện trực tiếp ở nhan đề, khi đi vào văn bản thơ, người đọc sẽ dễ nhận
thấy, “cảm hứng tình bạn xuyên thấm ở hầu hết mọi bài thơ, tập thơ” (Lê Nhật
Ký) viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Đọc thơ ông, chúng ta sẽ không khó nhận ra
sau mỗi điều được nói tới, bao giờ “nhà thơ của các em” cũng gợi lên một câu
chuyện tình bạn. Đó là những câu chuyện nhẹ nhàng, đáng yêu, ngộ nghĩnh, gần
gũi với thế giới trẻ thơ mà mỗi khi tiếp xúc, trẻ dễ nhận ra có mình trong đó.
Nội dung của chủ đề tình bạn trong thơ viết cho trẻ em của Phạm Hổ trước hết thể
hiện ở những câu chuyện này.
3.1. Có một
điều thú vị là thơ thiếu nhi của Phạm Hổ có nhiều bài về tình bạn nhưng nhà thơ
ít viết về tình bạn của con người. Trong thơ tình bạn của ông, nhân vật con người
ít khi xuất hiện. Ta chủ yếu bắt gặp hình ảnh của những con vật, đồ vật, sự vật
cùng những câu chuyện nho nhỏ, dễ thương về tình bạn. Dĩ nhiên, những con vật,
đồ vật, sự vật này luôn gần gũi, quen thuộc với trẻ và đằng sau những câu chuyện
của chúng chính là hình ảnh về tình bạn của con người, cụ thể là của trẻ em. Đó
là câu chuyện về chú bò lơ ngơ đi tìm bạn, chuyện về chú thỏ nghe máy nói, chú
gấu đen chụp ảnh tặng bạn thân, chuyện của hoa và bướm, ngỗng và vịt, rong và
cá, cái rế và nồi, chảo… Có lẽ đây là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Bởi
tình bạn được nhìn qua lăng kính đồng thoại thường trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu
hơn và do đó, dễ tạo được sự thích thú ở các bạn đọc nhí hơn.
Viết về thế
giới loài vật nhưng những câu chuyện về tình bạn trong thơ thiếu nhi Phạm Hổ lại
hiện lên vô cùng sinh động, chân thực, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của trẻ.
Khi tiếp xúc với những câu chuyện này, độc giả nhỏ tuổi sẽ nhìn thấy tình bạn của
mình trong đó.
Trong thơ về
chủ đề tình bạn của Phạm Hổ, có câu chuyện dễ thương về chú bò lơ ngơ nhưng thật
đáng yêu khi nhìn bóng mình dưới nước ngỡ là bạn: Mặt trời rúc bụi tre/ Buổi chiều về nghe mát/ Bò ra sông uống nước/ Thấy
bóng mình, ngỡ ai/ Bò chào: - “Kìa anh bạn!/ Lại gặp anh ở đây!”/ Nước đang nằm
nhìn mây/ Nghe bò, cười nhoẻn miệng/ Bóng bò chợt tan biến/ Bò tưởng bạn đi
đâu/ Cứ ngoái trước nhìn sau/ “Ậm ò”, tìm gọi mãi…(Chú bò tìm bạn). Tiếng gọi
bạn thiết tha của chúng bò mến bạn đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất
trong thơ thiếu nhi của Phạm Hổ và bài thơ này xứng đáng được xem là tác phẩm
tiêu biểu cho phong cách thơ thiếu nhi của ông.
3.2. Viết về
chủ đề tình bạn, Phạm Hổ thường sử dụng hình thức đồng thoại để thông qua đó, mang
đến những câu chuyện mến thương, ý nghĩa về tình bạn cùng những bài học giáo dục
nhẹ nhàng cho các em.
Tình bạn trước
hết phải là sự thấu hiểu, cảm thông và hòa điệu của những tâm hồn đơn sơ, trong
sáng. Thông qua tình bạn của hoa và bướm, nhà thơ muốn gửi đến các bạn nhỏ
thông điệp này: Hoa ngẩng cao đầu/ Suốt
ngày không mỏi/ Bướm bay bướm bay/ Như nhờ gió thổi (Hoa và bướm).
Khác người lớn,
với trẻ thơ, tình bạn thường được cụ thể hóa. Tình bạn của trẻ thơ bao giờ cũng
được thể hiện qua sự gắn bó, quấn quýt, vui chơi mỗi ngày bên nhau. Tình bạn giữa
rong và cá trong bài thơ cùng tên của Phạm Hổ nói lên điều đó: Một đàn cá nhỏ/ Đuôi xanh, đuôi hồng/ Quanh
cô rong đẹp/ Múa làm văn công.
Trong tình bạn,
điều quan trọng là sự sẻ chia những vui buồn. Từ câu chuyện giữa mèo và tro bếp
trong bài thơ cùng tên, Phạm Hổ muốn gửi gắm đến các em mà ông xem là những người
bạn nhỏ yêu quý thông điệp về sự sẻ chia trong tình bạn: Tro bếp làm đệm/ Mèo ta khoanh tròn/ Cả hai cùng ấm/ Cùng ngủ thật
ngon.
Đôi khi, trong
tình bạn cũng cần phải có sự nâng đỡ, kiên nhẫn và chờ đợi nhau. Từ hình ảnh
“cái rế nó bế cái nồi” thân thuộc, Phạm Hổ kể một câu chuyện nhỏ về tình bạn để
các em có thể cảm nhận được điều này: Ôm
lấy nồi, lấy chảo/ Rế như cái đài hoa/ Chảo, nồi đang bận nấu/ Rế ngồi bên đợi
chờ (Rế).
Tình bạn còn
là sự hi sinh, biết nghĩ cho nhau. Bài học giáo dục này được nhà thơ mượn hình ảnh
ngọn tre che cho bóng râm vui đùa để gửi đến các bạn nhỏ: Tre che bóng giỡn/ Trên lưng bò vàng/ Bây giờ tre mệt/ Bóng vẫn nằm
ngoan (Tre).
3.3. Bên cạnh
gửi gắm nhiều thông điệp, bài học giáo dục về tình bạn, thơ thiếu nhi của Phạm
Hổ còn kể cho các bạn nhỏ nghe nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh, đáng yêu về tình bạn
mà chính các em cũng đôi lần trải qua.
Trong thơ viết
về tình bạn của tác giả Chuyện hoa chuyện
quả, có câu chuyện về chú thỏ có chút đa nghi nhưng lại rất hồn nhiên khi
nghe máy nói với bạn: Thỏ đây! Ai nói đấy/
Mèo à? Mèo thế nào?/ Tớ không trông thấy cậu/ Nhỡ đứa khác thì sao? (Thỏ nghe máy nói).
Các bạn nhỏ
bao giờ cũng có những trò chơi độc đáo. Thế giới trẻ thơ có vô vàn trò chơi mà
chỉ trẻ con mới có thể nghĩ ra. Thách nhau là một trò chơi như thế. Trong bài Sáo đậu lưng trâu, nhà thơ kể cho các bạn
nhỏ nghe những lời thách có chút lém lỉnh nhưng thật đáng yêu của sáo đen với bạn
trâu của mình: Thách anh trâu đấy/ Đánh
được được sáo đen/ Anh quật đuôi lên/ Sáo sà xuống đất/ Anh quay sừng húc/ Sáo
lại lên lưng/ Sáo mổ lung tung/ Là anh thua nhé!
Trong thế giới trò chơi muôn kiểu của trẻ, ú tim là trò mà
có lẽ không bạn nhỏ nào chưa từng chơi. Đây là chơi của tuổi thơ, của tình bạn.
Qua câu chuyện chó và mèo chơi trò ú tim trong bài thơ cùng tên, nhất là qua
câu trả lời thật thà, ngộ nghĩnh của chó, nhà thơ gợi lên cho các em bao kỷ niệm
tuổi thơ bên những người bạn mên thương ngày nhỏ: Rủ nhau chơi ú tim/ Giờ đến phiên chó trốn/ Mèo đảo mắt nhìn quanh/ Chó
nấp đâu giỏi gớm/ Bỗng kìa chỗ khe tủ/ Chó để lộ đôi chân/ Rón rén men đến gần/
Òa: chụp ngay lưng bạn/ Chó vẫn thú vị lắm/ Cứ nhe răng ra cười:/ - Không! Mình
giỏi nấp thật/ Lỗi chỉ tại đôi chân.
Trong tình bạn trẻ thơ, không tránh khỏi những lúc hờn lẫy.
Câu chuyện gấu đen chụp ảnh gửi tặng bạn thân lẫy giận vì ảnh không được như ý
muốn sau đây là một mẩu chuyện dễ thương: Gấu
Đen chụp ảnh/ Gửi tặng bạn thân/ Gấu Trắng thợ giỏi/ “Tách” cái, chụp xong/ Lúc
nhận ảnh xem/ Gấu Đen trợn mắt:/ - Sao mình bé choắt/ Lại cụt cả chân?/ Chụp chẳng
nên thân/ Này đây trả cậu (Gấu Đen).
Viết về chủ đề
tình bạn, Phạm Hổ thường đề cập đến việc học của các em. Qua câu chuyện dí dỏm
về ngỗng lười học, nhà thơ mượn lời khuyên của vịt để nhắc nhở một cách nhẹ
nhàng các em chăm học: Ngỗng không chịu học/
Khoe biết chữ rồi/ Vịt đưa sách ngược/ Ngỗng cứ tưởng xuôi/ Cứ giả đọc nhẩm/
Làm vịt phì cười/ Vịt khuyên một hồi/ Ngỗng ơi! Học! Học! (Ngỗng và vịt).
Rõ ràng, chủ
đề tình bạn trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ rất phong phú, đa dạng. Mỗi
câu chuyện mà nhà thơ mang đến cho độc giả nhỏ tuổi là một khía cạnh của tình bạn
tuổi thơ muôn màu. Đó là những câu chuyện dễ thương, quen thuộc, gần gũi về
tình bạn mà các em có thể soi thấy chính mình trong đó.
4. Như đã
nói, chủ đề tình bạn là chủ ý nghệ thuật, đồng thời là cảm hứng xuyên suốt
trong thơ thiếu nhi của Phạm Hổ. Nhà thơ khi sáng tác luôn cố gắng tô đậm cảm hứng
này. Không chỉ viết nhiều bài về tình bạn, thể hiện chủ đề tình bạn qua nhan đề,
kết hợp để tạo ra những hệ thống (bạn trong nhà, bạn ngoài vườn, những người bạn
im lặng, những người bạn ồn ào) nhằm tăng hiệu ứng khuếch trương, nhà thơ còn vận
dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau để phục vụ việc phát triển chủ đề. Ông
sử dụng nhiều hình thức tổ chức bài thơ khác nhau như hình thức hỏi đáp, hình
thức định nghĩa… Ông ưu tiên sử dụng hình thức đồng thoại; tăng cường các chi
tiết, lời nói hồn nhiên, ngộ nghĩnh vào trong tác phẩm; khai thác triệt để hình
ảnh, nhạc điệu của từ ngữ… Nhờ đó, chủ đề tình bạn trong thơ thiếu nhi của ông
được thể hiện thành công hơn.
5. Như chính
Phạm Hổ từng thổ lộ: “Đối với tôi, được viết cho các em là cả một hạnh phúc”.
Ông yêu quý trẻ con và viết cho các em rất nhiều tác phẩm, ở nhiều thể loại, chủ
đề, với những câu chuyện về tình bạn gần gũi, thân thương cùng nhiều bài học,
thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc. Tình bạn là chủ đề mà nhà thơ dành nhiều tâm
huyết và ông đã thành công. Trong thơ thiếu nhi Việt Nam, có nhiều tác giả viết
về chủ đề tình bạn. Nhưng một trong những người viết nhiều và hay nhất có lẽ phải
kể đến Phạm Hổ đầu tiên.
P.T.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét