Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

TỪ VĂN NGHỆ AN NHƠN TẬP 14/2019, NGẪM VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỊ XÃ - Bài của Lê Bá Duy

.

 Cầm trên tay cuốn Văn nghệ An Nhơn số Xuân Kỷ Hợi do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý I năm 2019, lướt qua một lượt, lòng tôi vui có, buồn có. Buồn thì đơn lẻ, vui thì đông đầy, tình thì ăm ắp. Vậy thì buồn có gì tiêu biểu, đáng nói. Lấy vui hòa vui cùng với anh chị em văn nghệ cất lên dàn đồng ca cộng hưởng tình yêu quê hương, con người quê mình đang ngày càng thay da đổi thịt. Mùa xuân vẫn còn vương trên sắc lá, ăm ắp niềm vui, căng tròn sức sống. Nhâm nhi từng trang sách để sẻ chia, đồng cảm  cùng với những đứa con tinh thần của các tác giả trong tập mới thấy lòng ấm áp, nhẹ nhàng và đằm thắm tình người hơn
    Tôi thích khổ tạp chí 16x24 cm này, thích cái lối trình bày trang nhã, bắt mắt, font chữ rõ ràng, sang trọng của Văn nghệ An Nhơn. Hình thức chuẩn, đẹp! Nội dung phong phú! Mừng cho Hội VHNT Thị xã quê mình lại tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách ấn tượng nữa!
    Điều tôi để tâm nhiều là chất lượng của tạp chí. Số này nội dung có đủ các thể loại (ra quân hùng hậu). Ngoài những bài viết về An Nhơn đổi mới từ “Thị” lên “Thành”, viết về Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi –Đống Đa…, về Tây Sơn Điện-Bảo tàng Quang Trung…; Trang thơ của 47 tác giả, 6 truyện ngắn, và một số tạp bút-tản văn, bút ký, tùy bút, giới thiệu tác giả-tác phẩm, văn học nước ngoài, còn có trang thiếu nhi và trang viết trong nhà trường… Thể loại âm nhạc, mỹ thuật, ảnh, cũng được chọn lọc đưa vào tạp chí với dụng ý nghệ thuật tôn vinh cái đẹp của Đất và Người An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung.
      Những bài thơ trong tập là “món ăn” đầu tiên của tôi. Nhặt lấy những câu thơ hay, những câu thơ đi vào lòng người theo cách riêng của mình tưởng dễ nhưng lại không phải. “Thành hoàng đế” của Lê Vinh mở đầu trang thơ là tâm tình của nhà thơ với “em” về quê hương-nơi một thời “huyền tích kinh xưa”, nơi chứng tích một thời “áo vải cờ đào” đầy tự hào, pha lẫn xót xa bi tráng…
     Trần Viết Dũng với “Vua và em” chân thành, với cảm xúc mạnh liệt, đâu chỉ viết về vị vua “áo vải” với “Ngọc Hân công chúa” mà muốn gửi thông điệp về chất người miền Trung hào sảng, độ lượng bao dung, biết yêu-ghét, biết “thời trang và rất phong trần…” nhưng cũng biết sống vì người mình cần yêu và cần sống… Non sông sinh “Người” mà Người cũng là con của non sông nước Việt thân yêu! “Ta trai Bình Định hơi khô cứng/ Rất thật tình riêng phong cách miền Trung/ Ô hay sông núi sinh người vậy/ Mà lúc nào cũng độ lượng bao dung…”.
   Hình ảnh Ngọc Hân ấy còn gặp trong thơ Đặng Quốc Khánh: Ngọc Hân xưa khóc Quang Trung/ Giờ em mắt lệ não nùng vì ai/ Rưng rưng giọt vắn giọt dài/ thấm ngàn sau điệu bi ai lỡ làng” (Người ngâm Ai Tư vãn).
      Tôi thích hình ảnh “Tháng Giêng sóng lúa chạy đồng” của tác giả Khổng Trường Chiến. Đây là một hình ảnh thơ thật đẹp kết hợp với câu sau “còn thương hoa cải trổ ngồng bên hiên…” làm cho ý thơ lung linh ấn tượng. Và cái ảo của câu thơ thứ tư “Cõng gánh chung riêng” cũng thật đắc địa. Và lúc này chung riêng có hình khối có sức nặng để nhân vật trữ tình có thể “run run cõng” một trời quê mình vào thi ca…
    Lê Thụy Phương với “Ngửa nón đầy ngọc lan” cho thấy hương vị núi rừng được anh mang về thị xã “thơm nức mùi đại ngàn”.  Và tôi chú ý đến những câu giàu cảm xúc làm tôi thảng thốt, bâng khuâng của Duy Phạm: “giọt lệ khô rơi mẹ tôi xưa nằm đợi/ vạt cỏ khâu chiều hoang hiu vời vợi/thắp nén hương lòng thổn thức gọi mẹ ơi…”.
   Ngày xuân, rượu và mai là đề tài thi nhân xưa nay ít nhiều được đưa vào thơ để người đọc thưởng thức. An Nhơn nổi tiếng với rượu Bàu Đá say đến nguyên tiêu vạn tứ thơ… (Rượu Hoàng Mai - Hồ Thế Phất)
   Chủ đề người phụ nữ cực nhọc lam lũ một đời được Kim Tiết, Vĩnh Tuy, Duy Phạm, Nam Art… khai thác qua cảm xúc chiêm nghiệm nên đủ độ chín để rung cảm. Rất ấn tượng khi đọc những câu này của Vĩnh Tuy: “Thương chồng thương các con thôi/ lệch vai gánh cả một đời trần ai/ giấu vào đêm tiếng thở dài/ các con vui mỗi sớm mai đến trường…”. 
    Thời buổi hiện nay gáo nhựa có mặt khắp nơi. Với Phạm Ánh, hình ảnh gáo dừa đi vào thơ thật dễ thương gợi nhớ một thời “chân quê”: “Gáo dừa mỗi gáo một nơi/ giếng quê tôi uống mấy đời vẫn trong…” và để yêu thương quê hương nén trong lòng nhà thơ bộc bạch: “giếng sâu giếng cạn bao nhiêu đã trong tận đáy thương yêu tận lòng” (Giếng quê- Phạm Ánh).
    Cảm nhận của nhà thơ thật tinh tế. Tôi rất thích kiểu diễn đạt như thì sĩ họ Phạm này: “Phụ hoa lỡ rụng một bông/ phụ lòng em rớt nên sông chút tình…”. Từ “lỡ” thật hay, đặt vào câu thơ cho thấy dụng ý chơi chữ của nhà thơ tinh tế thật. và tiếp theo “phụ lòng” để rớt “bên sông chút tình” làm câu thơ trước mạnh hơn, đủ cho thấy sự nâng niu trân trọng của nhà thơ trước cái đẹp của thiên nhiên, con người và cuộc sống. Do vậy hai câu kết lại mở ra một tình yêu vô bờ bến của người thơ “đâu nỡ” “phụ mình” để rồi “tỏa hương trên lá trên nhành mừng nhau”. (Xuân, Phạm Văn Phương)
    Còn nhiều câu thơ hay trong tập tôi xin dành lại cho bạn đọc cùng thưởng thức. Trên từng bước đi của Văn nghệ An Nhơn từ những năm 80 của thế kỷ trước, thơ văn An Nhơn trưởng thành lớn mạnh. Từ một nhóm thơ “Tứ hữu Bàn thành” giờ người làm thơ đông đảo hùng hậu. Từ những bài thơ day dứt thân phận, hoài cổ, ca ngợi thiên nhiên, trải lòng… đến những bài thơ bám rễ vào hiện thực cuộc sống, ngợi ca An Nhơn nay đã thành thị xã khang trang, hiện đại. Từ chi hội VHNT của huyện trở thành Hội VHNT của thị xã với một đội ngũ người viết văn trưởng thành và có sự kế thừa của các em trong nhà trường với bài viết khá chắc tay. Văn nghệ An Nhơn thực sự đã trưởng thành trên mọi lĩnh vực: Thơ văn, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học trong nhà trường… Thiết nghĩ nếu BCH Hội phối hợp tốt công tác tham mưu với lãnh đạo thị xã trong nâng cao chất lượng sáng tác văn học chắc chắn phong trào VHNT An Nhơn sẽ không ngừng lớn mạnh hơn, trở thành một Hội VHNT thị xã tiêu biểu trong cả nước, hoạt động sôi nổi, gây được ảnh hưởng đến đời sống VHNT nước nhà…
    Hy vọng và mong muốn sau cùng của tôi là Ban Biên tập cố gắng khắc phục hạn chế như đính chính sau sách, hoặc những sai sót không đáng có như những số tạp chí đã ra, để những tập sách sau được hoàn hảo hơn: đẹp về hình thức, phong phú và chuẩn xác hơn về nội dung thể hiện!

                                                   Tuy Phước, ngày 19.03.2019
                                                                        Lê Bá Duy

2 nhận xét: