Tôi thường đứng lặng người nhìn hoàng hôn chín đỏ. Hình như bần ổi vào mùa, bất giác tôi nghe được hương thơm mằn mặn quyện vào cánh gió từ bên kia sông thổi ngược về phía bên này. Tôi nghĩ bụng: mai mốt rời khỏi nơi này, chắc hẳn tôi sẽ nhớ xóm, nhớ cái bãi sông này nhiều lắm!
Chiều quê bao năm vẫn vậy, vẫn yên ả ngan ngát mùi phù sa sông nước ngọt ngào. Phía chân trời rực cháy, chốc chốc lại có cánh chim nhỏ chao nghiêng trên không trung bao la vô định. Bây giờ tôi thèm được nghe tiếng nói oang oang của thằng Đạt, giọng lí nhí của con Phương, thằng Đồng trên bờ đê lộng gió. Những buổi chiều kia, nó vẫn thường đứng bên đầu cầu í ới gọi nhau ra đồng thả diều, ca hát hay đốt rơm nướng chín mấy củ khoai lang mót được ngoài rẫy vắng. Hôm trước, khi cả bọn nằm dài ngoài cánh đồng mới gặt, gốc rạ còn lởm nhởm trên mặt đất nứt nẻ thoang thoảng mùi lúa mới, tôi nói khẽ:
- Mai mốt về phố, chắc tao nhớ tụi bây dữ lắm!
Thằng Đồng bật dậy, trố mắt nhìn tôi:
- Sao mày về phố, mày không ở xóm này, không chơi với tụi tao nữa hả?
- Tao… - Tôi ấp úng.
- Mày xấu lắm, tụi tao không thèm chơi với mày nữa!
Cả bọn kéo đi, bỏ lại tôi chơi vơi giữa cánh đồng mênh mông thinh lặng. Bỗng chốc tôi thấy mình chơi vơi giữa đất trời như con chim lạc bầy rẽ hướng về khoảng không lạ lẫm. Tôi òa khóc.
Thế là bọn nó cô lập tôi. Sáng sớm thằng Đồng không còn ôm cặp đứng nhăn nhó dưới gốc me trước nhà đợi tôi đi học, chiều về cũng chẳng ghé ngang rủ tôi ra triền sông tắm táp, ngủ lưng trâu. Bọn nó đi trước, tôi lủi thủi mang tập vở theo sau. Trường làng nằm im dưới rặng dười mát rượi, gió nhẹ lay tàu dừa vỗ vào mái tôn, âm thanh cót két vang lên. Tôi chọn một chỗ phía cuối lớp, nơi mà chỉ tôi mới có thể nhìn thấy bọn nó đang làm gì, còn bọn nó thì không thể quay ngược lại để nhìn tôi rồi bàn tán xầm xì.
Cơm nước xong xuôi, cha tôi châm dầu vào đĩa đèn rồi thắp lên cho sáng, lấy cái ống khói bọc ngọn lửa để gió không làm cho nó tắt vụt đi. Mẹ tôi loay hoay trong buồng, nói vọng ra:
- Rồi tính chừng nào đi hả ba nó?
Ba móc gò thuốc trong túi ra đặt trên bàn, bóc một nhúm bỏ vào phiến giấy và cuộn lại, mồi một đầu rồi rít. Khói thuốc bay vào làm mắt tôi cay sè, tôi phải lén ba ngồi qua một góc để tránh gió tạt khói bay vào mặt. Ba dặng hắng mấy cái khan rồi bảo:
- Cuối tháng mình đi. Nhà cửa trên đó tôi nhờ anh hai lo hết rồi! Chuyện trường lớp của thằng Khang cũng ổn thỏa. Chỉ chờ ngày đi thôi!
- Ừ, vậy tôi cũng yên tâm, còn cái nhà này, cả mảnh ruộng này nữa. Ông tính sao?
- Nhà thì dỡ ra, xem bà con mình xài được cái nào thì cho họ cái đó. Còn ruộng đất tôi cũng nhờ người rao bán, nghe đâu có ông chủ vựa gỗ định mua. Sáng mai ông ấy đến, ngã giá xem được thì bán luôn để còn đi cho kịp.
Mẹ cười khảy:
- Ông tính cũng phải. Tôi nghe theo vậy! – Mẹ vẹt tấm màn cũ kĩ bước ra gian trước, nhìn tôi – Thằng Khang, đợi ba con sắp xếp công chuyện cho xong thì đến trường chào cô giáo một tiếng rồi đi, nghe con!
Tôi khẽ gật đầu. Cuộc đi ấy tôi đã nghe ba mẹ bàn tính với nhau từ nửa năm về trước. Đất quê thì quen, mùi bùn đất, mùi phèn chua dưới kênh tôi cũng quen thân như máu thịt. Căn nhà này nữa, nơi tôi chào đời và chập chững những bước đi đầu tiên, nơi tôi gắn bó trọn vẹn những tháng năm tuổi thơ đẹp như một giấc mộng. Khi nghe ba tính toán chuyện bán đất, bán nhà, bỏ quê lên thành phố sinh sống, tôi khóc mướt. Ba vỗ về tôi:
- Ráng chứ con! Ở đây ba mẹ có cày cục quanh năm cũng không thể ngước nổi lên nhìn đời. Lên thành phố con sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, ba mẹ cũng tìm cho mình một cái nghề để đổi đời rồi còn lo cho con đến nơi đến chốn nữa chứ!
Lúc đầu mẹ cũng phản đối quyết định của ba tôi. Đêm đó, ba mẹ cãi nhau đến tận khuya. Tôi nằm trên giường lắng tai nghe cuộc nói chuyện giữa ba và mẹ. Mẹ nói trong tiếng khóc:
- Ông nghĩ kĩ đi, quê mình thì mình ở, đất mình thì mình cày. Có nhà có cửa đàng hoàng, sống mấy chục năm rồi cũng đâu có chết đói ngày nào. Khi không đòi lên thành phố sống. Đất chật người đông, bon chen lừa lộc, liệu có kham nổi không ông?
- Có gan làm giàu thôi má nó! Bà không nghĩ cho mình thì cũng nghĩ cho thằng Khang với chứ! – Ba quả quyết.
- Nhưng – Mẹ sụt sùi – Tôi đọc báo thấy người ta bỏ quê đi tìm đất hứa, được chừng mấy năm rồi lại trắng tay, khi đó không còn quê để mà quay về, huống gì…
- Ở trên đó mình còn anh hai, chị hai. Họ sẽ giúp mình, chí ít cũng không trắng tay trở về cái nơi khỉ ho cò gáy này đâu bà ạ!
Thấy ba kiên quyết, mẹ im lặng hồi lâu rồi thở dài:
- Thôi, ông đã tính vậy thì tôi nghe! Biết sao bây giờ. Chỉ mong đời mình khấm khá, đời con sung sướng hơn đời mình là tôi an lòng.
Ba ôm tôi vào lòng. Mùi thuốc lá phả ra từ khuôn miệng của ba, cái mùi ấy tôi đã quen từ thuở còn bi bô tập nói. Nhiều lần tôi năn nỉ ba bỏ thuốc lá đi, ba cũng nghe theo, nhưng một vài hôm thì đâu lại vào đấy. Bây giờ ba ít hút hơn xưa, chỉ là thi thoảng buồn lòng mồi một điếu rồi rít mấy hơi dài.
Ròng rã mấy ngày ba cũng tìm được người bán lại mảnh đất cũ. Chiều bời bời gió, người trong xóm đến phụ ba mẹ dỡ nhà để sáng mai chúng tôi lên đường cho kịp chuyến xe đầu tiên chạy ngang qua con đường đất đỏ. Hàng xóm kéo đến, đám thanh niên phụ ba dỡ mái tôn, hạ kèo, hạ cột. Mẹ tôi ngồi ngoài gốc cây gọt mận mời các cô, các chị rồi rôm rả chuyện trò. Trong thanh âm ồn ã, tiếng cây ngã, tiếng mái tôn cựa vào nhau reng rét, những lời chúc tốt đẹp mà người xóm trân trọng dành cho mẹ, cho ba. Tình thương của xóm bao giờ cũng đong đầy và bao dung hết mực. Nhìn căn nhà mười mấy năm gắn bó, bao nhiêu năm gồng mình che nắng che mưa cho gia đình ba người và chứng kiến bao vui buồn được mất bây giờ chỉ còn là cái nền không, gỗ nằm hổn hển trên mặt đất. Mối mọt bò ra kêu lạo xạo trên thềm. Tôi bật khóc. Tự dưng tôi thấy thương cái nhà quá, tội nghiệp quá! Hình như nó cũng biết buồn, nó rên rỉ trong từng nhát búa rồi bất lực nằm yên nhìn lòng người đổi thay. Mẹ ôm tôi dỗ dành. Trong khoảnh khắc, tôi ước sao mình có phép màu để thu hết những hình ảnh thân thường về ngôi nhà, về cánh đồng rêu gió, cả những người dân chất chất nghĩa tình rồi gói vào trong giỏ. Để những chiều buồn nhớ đến nao lòng, tôi lần giở lại từng kỉ niệm mà vui cười, mà chỉ trỏ: Cái chỗ này nè, hồi đó mình chơi bắn bi với thằng Đạt, nhảy dây cùng con Phương. Cả cái góc bếp này nữa, có lần tôi ăn vụng hết nửa nồi chè hạt sen của mẹ. Mẹ không đánh tôi, nhưng đêm ấy tôi thấy bụng mình đau dữ dội, ba phải lấy xe chở ra trạm y tế xã. Kí ức là vô giá, kí ức không có âm thanh nhưng nó có sức vọng sâu vào tâm hồn dẫu người ta có đi qua bao nhiêu miền đất nước, bao nhiêu gian truân của đời.
Sáng nay lên đường. Người xóm tiễn tôi ra tận con đường đất đỏ. Tiễn đưa có mấy khi vui. Mẹ tôi rơm rớm lệ, ai đó chen đám đông bước đến vỗ vai ba:
- Lên đó khỏe nghen, mai mốt có rảnh về nhậu với tụi tui một bữa “quắc cần câu” mới chịu!
Ba cười, gật đầu. Sao tôi thấy lòng trống vắng, mắt cứ dáo dác tìm lũ bạn của tôi. Thằng Đạt, thằng Đồng, con Phương… không biết bọn nó có nhớ hôm nay tôi rời quê mà đi hay không? Sao mãi vẫn chưa đến? Hay bọn nó còn giận tôi vì tôi đã bỏ rơi bọn nó lại chốn quê nghèo? Tôi không cố ý. Tôi cũng chẳng muốn xa bọn nó đâu, lũ bạn tinh nghịch mà thương nhau, có quả táo cái kẹo cũng chia nhau mỗi người một miếng.
Tiếng còi xe vang lên. Bụi đỏ bay mịt mù trên con đường đất đá. Mẹ nói:
- Đi thôi con, chần chừ gì nữa?
Tôi đưa ba lô cho mẹ cầm, giơ chân định bước lên xe. Bỗng tim tôi vỡ òa, nước mắt tôi cứ thế mà tuôn lũ lượt trên gò má lạnh ngắt. Những tiếng nói thân thương văng vẳng bên tai. Quen lắm! Là tiếng của thằng Đạt, con Phương, thằng Đồng, cả thằng Tiến nữa – đứa vẫn thường bắt nạt tôi ngoài rẫy dưa mỗi lúc đi học về muộn. Kia rồi, bọn nó đang băng tắt qua cánh đồng đuổi theo tôi cho kịp:
- Khang, chờ tụi tao với. Tụi tao có cái này tặng mày nè!
Thằng Đạt đã đuổi kịp theo tôi. Nó chìa ra một cái hộp giấy cũ kĩ, bảo tôi:
- Lên xe hẳn mở ra. Đi lên đó ráng học cho giỏi nghe, đến hè lại về quê chơi với bọn tao. Rồi mình đi bắt chuồn chuồn, thả diều, tắm trâu… y như hồi xưa vậy!
- Ừ, tao hứa. Tụi mày không được giận tao nữa nghe! – Tôi nức nở.
- Không giận, không giận – Bọn nó đồng thanh.
Tôi bước lên xe trong tiếng hối thúc của anh lơ tóc đỏ. Xe bon bon trên con đường để lại sau lưng bụi cát mịt mờ. Ngoảnh lại, tôi vẫn thấy xóm làng thân thương, thấy những người dân nghĩa tình vẫy tay theo tôi và bọn trẻ quê dẫu tay bùn chân đất mà nặng nghĩa nặng tình, thương làm sao cho hết!
Nước mắt tôi ròng ròng. Tôi giở chiếc hộp ra, trong đó toàn những thức quà quê thân thuộc: con cào cào được tết bằng lá dừa ngoài triền sông, mấy trái ổi chín thơm nức lòng, quyển sổ nhỏ với những con chữ nguệch ngoạc mà bọn thằng Đạt, thằng Đồng cố tình viết tặng tôi làm kỉ niệm cho chuyến đi xa. Tôi áp chiếc hộp lên ngực, nhắt mắt.
- Nhớ nghe, hè là phải về chơi với tụi tao đó! – Bên tai tôi cứ văng vẳng mãi câu nói ấy.
- Nhất định rồi! – Tôi thì thào.
Dẫu có đi về đâu, xóm làng, người quê và cả lũ trẻ con tinh nghịch vẫn mãi chiếm một vị trí không đổi trong tôi…
H.K.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét