Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI MẸ XÓM CHÒI - Tạp bút của Trần Duy Đức(*)


                 
                                                     
      


         Nằm ở bờ nam của nhánh phía bắc  sông Côn, cuối làng Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ có xóm Tân Ninh mà bao đời người dân ở đây vẫn gọi xóm Chòi. Ấy là là nơi sinh ra, lớn lên của một người đàn bà mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại. Vợ chồng cụ Phan Huệ và Nguyễn Thị Cúc sinh người con gái đầu lòng đặt tên là Đựng, cái tên cúng cơm đã đeo bám suốt đời một người phụ nữ chịu đựng gian khổ.
Tên đầy đủ của người phụ nữ ấy là Phan Thị Cừu, lớn lên bên dòng sông hiền hòa và lấy chồng là Châu Ngọc Anh, người cùng xóm, chỉ cách nhau hàng rào. Cả hai gia đình họ Châu và họ Phan đều sớm có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp. Hiệp định đình chiến Genève được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền, anh em ruột và anh em phía chồng, người lên đường tập kết ra miền Bắc làm nhiệm vụ mới, người được bố trí ở lại miền Nam hoạt động bí mật.
Chồng mẹ Cừu là một trong những đảng viên cốt cán của xã Nhơn Mỹ trong 9 năm kháng chiến, được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động trong lòng địch. Đối phương xếp gia đình mẹ thuộc đối tượng loại A, tức “cộng sản cồ”, nên khi vừa tiếp quản, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp vô cùng tàn bạo. Cả cha mẹ chồng, cha mẹ ruột già yếu, vợ chồng mẹ và các con còn nhỏ tay dắt, tay bồng đều bị bắt quản thúc, quản chế, tối phải ngủ đình miễu, ngủ giữ hàng rào “ấp chiến lược” bất kể nắng mưa. Mẹ Phan Thị Cừu chứng kiến cảnh đau lòng là người chồng yêu dấu bị địch tra tấn cực kỳ dã man tại đình làng những năm 1955-1956, rồi đày xuống nhà lao Quy Nhơn. Đến giữa năm 1964, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, thôi thúc Châu Ngọc Anh và một đồng đội tìm cách vượt ngục để hoạt động.  
Từ đầu năm 1960, tại đây đã xuất hiện căn cứ cách mạng trong lòng dân, những căn hầm bí mật đầu tiên ở làng Tân Kiều được hai gia đình âm thầm đào và  nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện như Trần Hồng Hà, Võ Trường An... là những cán bộ tập kết được cử vào Nam sớm nhất để xây dựng thực lực, khôi phục phong trào cách mạng. Gia đình mẹ Phan Thị Cừu trở thành đầu mối rất quan trọng của mạng lưới cơ sở bí mật từ căn cứ An Trường ra khu Tây, xuống khu Đông.
Cuối năm 1964, đầu 1965 phong trào Đồng khởi phát triển như thế chẻ tre, xã Nhơn Mỹ và hầu hết địa bàn nông thôn trong huyện An Nhơn lần lượt được giải phóng, bao vây quận lỵ, thị trấn. Châu Ngọc Anh được phân công làm Trưởng ban Nông hội xã Nhơn Mỹ, rồi Trưởng ban Kinh tài huyện, tăng cường phụ trách địa bàn Nhơn Khánh và hy sinh ở khu Đông vào tháng 3/1969.
Sáu người con cả trai lẫn gái của vợ chồng Châu Ngọc Anh và Phan Thị Cừu lớn lên và lần lượt tham gia kháng chiến. Hai người con gái lớn là Châu Thị Thu và Châu Thị Sương vừa lập gia đình đã cùng với chồng thoát ly, gia nhập bộ đội và du kích đánh địch từ chiến dịch Đồng khởi. Người con trai giữa là Châu Văn Thắng còn học phổ thông đã tham gia Liên Chi đoàn Trần Văn Ơn, hoạt động bí mật trong nội thành. Mưu trí, táo bạo, Châu Văn Thắng đã nhiều lần tổ chức diệt ác phá kèm ngay trong khu dồn, mưu trí đánh lựu đạn diệt cả sĩ quan Mỹ và đốt cháy xe jeep ngay sát chi khu quân sự. Bị lộ, Châu Văn Thắng phải xếp bút nghiên rời ghế nhà trường, thoát ly gia đình về vùng giải phóng hoạt động, được phân công làm Xã đội trưởng Nhơn Mỹ. Dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Thắng, du kích Nhơn Mỹ phối hợp với du kích các xã lân cận dũng cảm chiến đấu chống trả hàng chục trận càn quét của địch và anh dũng cảm hy sinh vào giữa tháng 5/1970, vừa tròn 19 tuổi. Năm 1997, liệt sĩ Châu Văn Thắng được cấp ủy, chính quyền từ xã lên tỉnh lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.
 Tiếp bước người anh, Châu Ngọc Vân mới 16 tuổi, là đoàn viên hợp pháp, đã tham gia lực lượng biệt động thành, hoạt động xông xáo, bị địch bắt và đày ra ngục tù Côn Đảo. Sống dưới chế độ lao tù hà khắc và trước đòn thù nghiệt ngã, Châu Ngọc Vân đã anh dũng hy sinh vào giữa năm 1973, cũng vừa tròn 19 tuổi, khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình nước ta có giá trị pháp lý đã nửa năm. Hai người con nhỏ là Châu Thị Tâm và Châu Thị Bích, tuổi mới 14 - 15 đã tham gia lực lượng du kích mật, cùng với mẹ nuôi giấu bộ đội, du kích, chạy thư từ hợp pháp… giữa bốn bề là địch.  
Giữa năm 1974, mẹ Phan Thị Cừu nhận được hung tin người con trai thứ hai hy sinh, lúc ấy mẹ chưa tròn 50 tuổi, nỗi đau tột cùng đến với mẹ khi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã gần đến ngày toàn thắng. Thêm một bát nhang nữa đặt trên bàn thờ trong ngôi nhà nhỏ đã bốn lần giặc đốt cháy, phải dựng lại trên nền cũ. Hằng ngày mẹ Cừu quanh quẩn bên bàn thờ cha mẹ, chồng và hai người con trai mà mẹ hết mực yêu thương. Nuốt nước mắt vào trong, cắn răng nén đau thương, tiếp tục nuôi giấu bộ đội và đội vũ trang công tác xã. Cứ năm ba hôm là anh em phải thay đổi địa bàn bám trụ và ở công sự khác để đảm bảo an toàn, khi gặp lại mẹ mừng lắm. Bộ đội và du kích đều là lứa tuổi các con của mẹ, nên mẹ thương như con ruột.
Là một cơ sở hoạt động bí mật suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt qua bao thử thách nghiệt ngã, bao lần vào tù ra tội, người phụ nữ hiền hòa, đôn hậu, hết lòng với cách mạng và sống nghĩa tình với làng xóm, bà con trong làng gọi mẹ Phan Thị Cừu với cái tên thân thương: bác Hai Đựng, thím Hai Đựng, chị Hai Đựng… Sự chịu đựng nỗi mất mát quá đỗi phi thường ấy, đã góp phần không hề nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Mẹ Cừu vinh dự được phong tặng danh hiệu: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu. Tại buổi lễ trao danh hiệu cao quý, mẹ đứng im ôm tấm bằng vinh danh trước ngực, không nói được lời nào, không khóc, không cười, rưng rưng nhìn về hướng xa thẳm. Sau đó mẹ được nhận ngôi nhà tình nghĩa, niềm vui ấy đã phần nào an ủi quãng đời còn lại của mẹ dù không được bao lâu, bởi ngày 5/01/2001, trái tim mẹ ngừng đập, hưởng thọ 79 tuổi. Mẹ Phan Thị Cừu là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đầu tiên trong huyện An Nhơn (nay là thị xã) được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ xã Nhơn Mỹ.
Lúc sinh thời, mẹ Phan Thị Cừu luôn đau đáu với tâm nguyện được đưa hài cốt liệt sĩ Châu Ngọc Vân từ Côn Đảo về đất liền, nhưng đến khi mẹ trút hơi thở cuối cùng mà nguyện vọng tha thiết ấy vẫn chưa thực hiện được. Mãi đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng đội năm xưa của anh Vân, những chiến sỹ biệt động thành của Liên Chi đoàn Trần Văn Ơn còn sống, cùng nhau góp tiền, ra tận nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) bốc hài cốt anh đưa về nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Mỹ, nằm bên cha mẹ và đồng đội, cùng bao người thân trong gia đình. Mẹ Phan Thị Cừu còn có một người con rể là Trần Văn Bình (chồng chị Châu Thị Thu) hy sinh năm 1968.
Đến năm 2012, tiêu chuẩn để xét công nhận Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được nới rộng, thì gia đình mẹ Phan Thị Cừu có thêm ba người đàn bà nữa tiếp tục được nhận danh hiệu này. Đó là, cụ bà Nguyễn Thị Đẩu có hai con trai hy sinh: Châu Ngọc Anh, chồng mẹ Cừu và em chồng là Châu Đình Thuận - Xã đội trưởng hy sinh năm 1966. Người thứ ba là Văn Thị Bửu có chồng là Châu Đình Thuận, cùng con trai là Châu Văn Minh du kích hy sinh năm 1968. Người mẹ thứ tư là Châu Thị Phụng (em chồng mẹ), từng là Bí thư xã Nhơn Mỹ, chồng là Phan Thanh Long - Thôn đội trưởng, cùng con trai là Phan Văn Tỉnh du kích hy sinh cùng năm 1966.
Một gia đình cách mạng tiêu biểu có đến 8 liệt sĩ, trong 8 năm từ 1966 đến khi có Hiệp định Paris, cứ mỗi năm hy sinh một người thân. Cụ bà Nguyễn Thị Đẩu có hai con trai; mẹ Phan Thị Cừu có chồng, hai con trai và một người con rể; mẹ Văn Thị Bửu và Châu Thị Phụng đều có chồng và con trai là liệt sĩ. Viết đến đây, tôi chợt nhớ 4 câu thơ của họa sỹ Đinh Gia Thắng (tác giả bản vẽ phác thảo tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng): “Núi sông in bóng mẹ hiền/ Vai gầy mẹ gánh một miền cỏ hương/ Lời ru còn vọng ngàn xưa/ Suối nguồn chảy mãi cho mùa xuân xanh” dâng tặng mẹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có đến 11 người cả con trai, con rể và cháu hy sinh. Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, được dựng ở thành phố Tam Kỳ - Quang Nam, lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ. Nếu nói, một gia đình có 11 liệt sỹ ở xã Điện Thắng - Điện Bàn - Quảng Nam thật hiếm thấy trong cả nước, thì một gia đình có 8 liệt sĩ ở xã Nhơn Mỹ cũng thật hiếm có trong thị xã An Nhơn - Bình Định.
Không có sự hy sinh nào lớn hơn hy sinh xương máu, không có mất mát nào có thể so sánh với mất chồng con, như một ẩn số kỳ diệu, là sức mạnh kỳ thần kỳ, cao cả hơn mọi sự cao cả, đỉnh cao của nét đẹp văn hóa Việt Nam, mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Đến thời điểm này, cả nước có trên 50 ngàn Bà Mẹ Anh hùng, trong đó thị xã An Nhơn có 267 mẹ, quê hương Nhơn Mỹ có đến 53 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này, họ đã hiến dâng cho đất nước cả chồng, con và gia sản vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Nỗi đau và mất mát quá lớn.
Những dòng này tôi viết vàò cuối tháng Tư lịch sử, chuẩn bị kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, giang sơn quy về một mối, ký ức một thời lửa đạn gian khổ như đang sống lại. Xin được thắp nén nhang thơm dâng lên những người mẹ xóm Chòi đã đi vào cõi vĩnh hằng, cùng với các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước góp phần viết nên những trang sử vàng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.


T.D.Đ

(*) Trong ấn phẩm Văn nghệ An Nhơn tập 13/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét