Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

ĐÓA MAI XUÂN TRONG VƯỜN THƠ YẾN LAN - Bài của Phạm Tuấn Vũ



Yến Lan (1916-1998) là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông viết về nhiều đề tài. Hoa là đề tài được nhà thơ khá yêu thích. Tác giả “Bến My Lăng” có hàng trăm câu thơ viết về hàng chục loài hoa, trong đó hoa mai phổ biến hơn cả.
1. Có lẽ không quá khi cho rằng Yến Lan là nhà thơ của những loài hoa. Hồn thơ Yến Lan đôn hậu, ông yêu vẻ đẹp thuần khiết của hoa. Cho nên không ngẫu nhiên mà trong thơ ông, hoa xuất hiện nhiều đến vậy. Từ hoa của đồng nội, thôn quê (như hoa lạc, hoa bắp, hoa sen) đến hoa của núi rừng (như hoa chè, hoa xoan, hoa sim, hoa phong lan, hoa lau, hoa mơ, hoa đào núi); từ loài hoa dân dã, quê mùa (như hoa nhài, hoa sói, hoa lí, hoa mua) đến loài hoa mĩ miều, sang trọng, thanh tao (như hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa đào, hoa quỳnh, hoa mai), vườn hoa trong thơ Yến Lan có đến vài chục loài khoe sắc.
Trong vườn hoa đủ sắc màu ấy, nổi bật là gam vàng của những đóa mai xuân. Yến Lan viết rất nhiều về hoa mai. Bởi đây là loài hoa gắn với quê hương An Nhơn của tác giả. “An Nhơn là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng mai. Cho nên, khi gặp những bài thơ như thế này, chúng ta thấy thi hứng Yến Lan nảy sinh từ chính việc cảm thụ loài hoa này của quê hương” (Lê Nhật Ký). Và có lẽ, mai còn là loài hoa mà ở đó, thi nhân tìm thấy nhiều điểm gần gũi với tâm hồn, cốt cách của mình.
2. Đọc thơ Yến Lan, không khó để bắt gặp những đóa mai xuân. Ông có đến hàng chục bài thơ viết về loài hoa này: Tỉa mai, Vóc mai, Nhớ rừng mai, Nhớ mai, Nỗi khổ của mai, Quý mai, Thềm nhà phía nam, Xuân tảo, Xuân cách, Xuân hoài, Đêm xuân trông sao, Lụy nhớ,… Trong đó, nhiều bài viết về mai thật sự hay và cảm động.
Mai trong thơ Yến Lan khá đa dạng nhưng nhìn chung, đó không đơn thuần chỉ là những đóa mai khách thể. Đóa mai hiện lên trong tác phẩm thường gắn với nhiều cung bậc trong cảm xúc, tâm hồn của thi nhân. Có hoa mai là dấu hiệu của mùa xuân qua cảm nhận của con người an nhiên, tự tại: Đây cúc, kìa mai, nọ hải đường/ Cùng mai hoa tụ nhóm thiên chương (Xuân cách). Có hoa mai là tri âm thường trực trong nỗi nhớ, đồng cảm tương liên với thi nhân: Yêu hoa há để thềm nam trống/ Đêm mộng hoa vàng đến trổ bông (Thềm nhà phía nam) và Hay vì bệnh tật tìm phương tránh/ Sợ góc trời mai lụy nhớ thương (Lụy nhớ). Cũng có đóa mai là hiện thân của cái đẹp mong manh chóng tàn: Bao nhiêu cánh đẹp như mai nở/ Sao vội vàng qua một thoảng hơi (Nhớ mai), thanh tao nhưng lặng lẽ: Mai ơi nở đó mà thưa thớt/ Phẩm chất thanh u trĩu nhánh gầy (Vóc mai), chịu đau đớn để làm đẹp cho đời: Bao nhiêu đau đớn cành mai chịu/ Đợi với trời xanh rực bóng nhà (Tỉa mai). Có lẽ bởi vẻ đẹp gần gũi với tâm thức thẩm mỹ của thi nhân nên trong thơ Yến Lan, mai được “ưu ái” hơn hẳn so với nhiều loài hoa khác.
Đặc biệt, hoa mai còn là hình ảnh thân thiết của quê nhà. Hồn thơ Yến Lan gắn bó nặng sâu với quê hương An Nhơn (Bình Định) nơi có nghề trồng mai lâu đời nổi tiếng. Viết về quê nhà thi nhân thường nhắc về mai, và ngược lại, viết về mai, thơ Yến Lan mang dáng dấp hình bóng quê nhà. Cho nên trong thơ ông có những bài thơ viết về mai gắn với nỗi nhớ quê hương da diết, ngậm ngùi: Về giữa thu phân, mai chưa nở/ Lập xuân mai nở, bận không về/ Hữu tình chẳng lẽ vô duyên mãi/ Đông chí đây rồi lạnh tái tê (Nhớ rừng mai). Có hàng trăm đóa mai trong văn chương nhưng hiếm có đóa mai của tình quê nào cảm động như trong tác phẩm này.
3. Có thể nói, từ những đóa mai thân thuộc nơi quê nhà, Yến Lan đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều hình tượng hoa mai thật đẹp. Mai trong thơ ông không chỉ là hình ảnh của mùa xuân mà còn mang nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc. Ngày xuân, về dạo thăm vườn thơ Yến Lan, ngắm những đóa mai vàng tươi thắm, nhớ thi nhân và tự nhận chân nhiều giá trị…

P.T.V 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét