Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

SĂC XUÂN TRÊN ĐẤT KINH XƯA - Tùy bút của Đức Linh



Là đất kinh xưa, An Nhơn có nhiều di tích, cũng là địa phương có nhiều làng nghề nhất tỉnh (28 làng nghề) với các sản phẩm truyền thống nổi tiếng như rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, chiêng Mỹ Thạnh…
Đây cũng là vùng đất có nhiều sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng, nhiều vùng canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Lợi thế hiển nhiên khác là tiềm năng du lịch của nơi đã từng là kinh đô Vương quốc Chămpa, đế đô vương triều Tây Sơn – Nguyễn Nhạc. Đây cũng là nơi nhiều phong tục, lễ hội độc đáo như lễ hội đổ giàn Nhơn Phúc, hội đánh bài chòi, đánh cờ người…
An Nhơn được công nhận đô thị loại IV năm 2010 trước khi trở thành thị xã vào năm 2011. Tôi tự hào là con dân được sinh ra, trưởng thành trên vùng đất kinh kỳ cũ. Cũng thầm vui khi quê hương mình đang từng ngày khởi sắc.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thị xã An Nhơn được thành lập từ huyện An Nhơn theo Nghị quyết 101/NQ-CP ngày 28/11/2011 của Chính phủ. Sau hơn 5 năm thành lập, thị xã An Nhơn đã có những chuyển biến đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 ước thực hiện được 10.966 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2016. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng được xem là mũi nhọn với tổng giá trị sản xuất được 7.038 t đồng, tăng 20,3% so với năm trước. Sản xuất công nghiệp xây dựng tăng trưởng khá là do hoạt động sản xuất có hiệu quả của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp. Đặc biệt, KCN Nhơn Hòa ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư, đến năm 2017 đã thu hút 31 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký gần 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 3.200 lao động.
Cũng trong năm nay, CCN An Trường và An Mơ tiếp tục được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, CCN đồi Hỏa Sơn, Nhơn Phong đang hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và lập dự án để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi đưa vào hoạt động, các CCN này sẽ thu hút đầu tư, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Năm 2017, thị xã An Nhơn cũng để lại dấu ấn trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất của ngành này năm 2017 đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2016. Hệ thống phân phối bán buôn trên địa bàn thị xã phát huy hiệu quả. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng đa dạng loại hình dịch vụ, phục vụ khá tốt nhu cầu tiêu dùng. Nhất là giai đoạn cận Tết, bà con nô nức đi sắm sửa, sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2017 ước đạt 1.683 tỷ đồng, tăng 1,3% so với năm 2016. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề sau những đợt lũ lụt năm 2016 và bão số 12 năm 2017, một số diện tích đất trồng lúa bị sa bồi thủy phá, mưa kéo dài trong vụ Đông - Xuân bị trôi giống song các cấp các ngành địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, duy trì năng suất, chất lượng, giữ vững giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đóng góp đáng kể vào thành tích nêu trên của lãnh đạo và nhân dân thị xã có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2017, xã Nhơn Hậu đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Nhơn Hạnh cũng đạt 18/19 tiêu chí, 2 xã Nhơn Mỹ, Nhơn Tân cũng đạt 16/19 tiêu chí. Cùng với chương trình NTM, thị xã An Nhơn tập trung chỉnh trang đô thị, từng bước thay đổi diện mạo, hướng tới đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2018 và đưa An Nhơn phát triển theo hướng đô thị loại 3 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra. Để có được những thành tựu ấy, là sự chung sức chung lòng của quân và dân An Nhơn. Trong một lần trò chuyện, ông Nguyễn Đức Đào, Phó chủ tịch Hội CCB thị xã chia sẻ: “Trong giai đoạn 2012-2017, thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, hội viên CCB thị xã đã tự giác hiến trên 2700 m2 đất để mở đường giao thông nông thôn và xây dựng kênh mương nội đồng, tham gia trên 538 ngày công và đóng góp gần 250 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa các thôn và các công trình khác ở địa phương”. Quá trình xây dựng NTM đã có nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định, hạ tầng nông thôn bị thiệt hại do mưa lũ nặng nề năm 2016 và cuối năm 2017 kéo giảm tiến độ xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế. Để hướng tới mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM còn là hành trình dài còn nhiều thách thức.
Mầm xuân thị xã…
Có lẽ, niềm vui mới đang được nhân lên cho vùng đất kinh kỳ giàu truyền thống với nhiều làng nghề nổi tiếng là nhận được sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền địa phương đang triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII về “phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2016-2020”, quy hoạch xây dựng điểm sản xuất tập trung của làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và công bố nhãn hiệu sản phẩm nón lá Gò Găng.

Đi qua các làng nghề những ngày cuối năm, tôi cảm nhận được một không khí rộn rịp của các nghệ nhân cho những công đoạn cuối cùng để kịp sản phẩm giao cho khách hàng. Dừng chân tại làng đan đát Quan Quang, tôi gặp hai vợ chồng ông Lê Hồng Kính, đã có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề đan đát. Vợ chẻ tre vót nan, chồng với đôi tay thoăn thoắt đưa những mảnh nan đan bện thành hình đẹp mắt để kịp tiến độ hoàn thành số nơm giao cho khách ở phương xa, phục vụ nhu cầu trang trí trong các hàng quán. Khi mà các làng nghề đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong khâu tiêu thụ, nhất là đan đát, thì việc cung ứng sản phẩm cho nhu cầu trang trí là một hướng mở, mang lại niềm vui cho nhiều bà con làng nghề trong ngày cận tết.
Đâu đó trên những cánh đồng dọc Nhơn Khánh, Nhơn Hòa, cây mạ bung mình qua lớp phù sa đắp bồi trẩy xanh non mơn mởn. Tôi dừng xe tại vựa cúc Vĩnh Liêm vốn nổi tiếng ở An Nhơn, hai vợ chồng quê ở An Ngãi mà mọi người xung quanh hay gọi với cái tên chân mộc anh chị Năm, thu dọn lại bóng đèn giăng trên đồng cúc. Khi tôi hỏi ra, họ mới bảo rằng cúc đã đủ chiều cao, có thể phát triển tự nhiên và cho hoa kịp tiến độ nên không chong đèn thắp sáng vào ban đêm nữa.
Cạnh vườn cúc vợ chồng anh Năm, một cụ ông đã ngoài 80 tuổi, tên Phạm Đậu nở nụ cười thân thiện. Ông bảo rằng đã theo cái nghề trồng cúc này hơn 30 năm qua. Có lẽ gắn đời mình với hoa, lòng lúc nào cũng nhẹ nhàng, hiền hậu nên nhìn ông vẫn phong độ, đầy tràn sức sống. Ông bảo, chắc độ hai tuần nữa là cúc bung búp sặc sỡ, khi ấy ghé lại chơi, ưa em nào thì già đây để rẻ cho.
Đi qua làng mai Nhơn An, chợ mai Cẩm Văn đã bao lâu nay vẫn thế. Đến hẹn lại lên, chừng gần 2 tháng trước Tết đã thấy rộn rịp. Không khí Tết nơi này đến sớm hơn mọi nơi. Nhìn người đàn ông trung niên tên Sơn kê lại những chậu mai đã trổ nụ, nở nụ cười hiền mà tôi như ấm lòng. “Năm rồi, mưa gió triền miên, cơn bão số 12 đã khiến chúng tôi thấp thỏm. Cũng may nhờ có sự chuẩn bị nên đã hạn chế thiệt hại thấp nhất, mai năm nay ra búp nhiều, đỡ hơn năm ngoái”, anh Sơn thủ thỉ.
Trên từng nẻo đường tôi cảm nhận được sự thay đổi của vùng đất An Nhơn, cũng càng cảm nhận rõ hơn không khí xuân đang về trên thị xã. Bên tách trà ấm, ông Từ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thị xã An Nhơn nở nụ cười hiền. Ông cho hay, Câu lạc bộ bài chòi ở địa phương cũng đang tất bật luyện tập ngày đêm để kịp công diễn phục vụ bài chòi cho bà con xem. Một chiều cuối năm, tôi dừng lại ở nhà văn hóa thị xã, tôi bị cuốn hút bởi những giọng hát ngọt mướt âm vang. Hóa ra, các thành viên trong Câu lạc bộ bài chòi thị xã An Nhơn bao thế hệ già trẻ đang cùng nhau tập luyện vở Phạm Công Cúc Hoa để biểu diễn nhân dịp năm mới. Tôi chợt nhớ đến nghệ thuật bài chòi vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại mà ấm lòng ấm dạ, lại càng quý hơn những “nghệ sĩ chân đất” vẫn thầm lặng giữ bộ môn nghệ thuật đậm đà phong vị làng quê mà chân chất nghĩa tình này.

Thị xã An Nhơn đang từng ngày cố gắng vươn lên. Có những thứ cần phải gạn lọc, hướng tới, cho sự phát triển, tiến bộ như việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, chỉnh trang đô thị, chăm lo đời sống người dân. Cũng có những nét truyền thống của một làng quê mà phong hóa phong vị đã ăn sâu vào tiềm thức con người như những điệu bài chòi, làng nghề bún Song Thằn, rượu Bàu Đá, làng mai… cần được bảo tồn, chăm chút. Chặng đường hướng tới đô thị loại 3 nhưng vẫn đậm đà bản sắc riêng của vùng đất kinh xưa hẳn còn nhiều thách thức, nhưng tin rằng bằng nội lực, cái tình đất và người của quân và dân An Nhơn sẽ gieo “sắc xuân” trên khắp nẻo đường thị xã.
Đ.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét