Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

CHUYỆN CỦA MUÔN ĐỜI - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Duyên

  




Mặc dù có bài lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi và được in trong tuyển tập Chuyện Của Muôn Đời, nhưng tôi vẫn ấm ức khó chịu, cái cảm giác nặng nề cứ như len vào trong tôi vì cảm thấy có điều gì không được sòng phẳng trong việc chấm giải. Rời khỏi nơi trao giải, tôi và Tú tấp xe vào một quán cà phê vỉa hè trên đường Cao Thắng.


- Đúng là một trò cười cho thiên hạ. - Tôi bực tức nói ngay khi còn chưa kịp ngồi vào ghế.
- Anh có bài in trong tuyển tập là vui rồi. Hạt gạo lọt trên sàng đấy. Còn chuyện giải thưởng thì chỉ mấy người thôi mà, anh không nên bận bịu làm gì. – Tú nhìn tôi bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
- Thế anh không thấy trên mặt bìa sau họ ghi điều gì à?– Tôi bưng ly cà phê uống liền một nửa như uống nước giải khát vậy. Và, tôi tiếp luôn: “Bảy bài được giới thiệu ở bìa sau thì có bài của tôi, nhưng sáu bài đã được giải, còn bài tôi thì lọt ra ngoài. Nếu chỉ có sáu giải thì chẳng nói chi, đằng này cũng bảy giải mà!”
Tú nhìn tôi, cười:
- Thế anh có nhớ cái hồi hai đứa lên làm công nhân xây cất bệnh viện đa khoa Củ Chi năm bảy mươi sáu à? Đến giờ giải lao, đứa nào cũng chạy đến sắp hàng trước thùng nước dành cho tập thể. Có một lần, anh đứng đầu hàng, tôi ở vị trí thứ tư, khi uống xong, anh chuyển ca nước cho tôi. Tự nhiên tôi trở thành người đứng trước hai người, chỉ sau anh thôi. Đó cũng là cái lẽ thường tình của cuộc đời này. Anh không thấy thế sao?
- Tôi hiểu ý anh. Nhưng đây là một cuộc thi của một tờ báo lớn của thành phố nên thu hút nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia. Làm thế coi sao được? Nó khác với chuyện sắp hàng uống nước kia chứ!
- Theo mình thì không khác về mặt bản chất. Nên ông bà ta thường nói, đó là thói đời mà! Nếu tôi là tổng biên tập hoặc trưởng ban giám khảo, chắc chắn anh sẽ có giải, hơn nữa bài của anh được vào vòng chung khảo thì có ai dám nói qua nói lại. Mà có điều này tôi muốn nói...
- Anh muốn nói điều gì nào? – Tôi nhìn Tú dò xét.
-  Chữ nghĩa mà! Cũng một bài viết thôi, người  thì khen tới mây xanh, người thì chê sát đất, không biết đâu mà lường. Vì vậy, ban giám khảo A thì tên những người đạt giải sẽ là A, còn ban giám khảo B thì những người đạt giải sẽ là B, vân vân và vân vân…

      Rồi, Tú kể cho tôi nghe một chuyện khi rời khỏi Củ Chi về thành phố học sư phạm, ra trường dạy được vài năm được rút về phòng giáo dục quận, phụ trách công tác Đội. Có một lần, anh được lãnh đạo phân công làm trưởng ban giám khảo của một hội thi văn nghệ toàn quận dành cho các em học sinh. Công việc cũng hết sức bình thường, bởi việc ấy phù hợp với năng  khiếu vốn có của anh. Và anh đã nâng thứ hạng một em, lẽ ra chỉ đạt giải khuyến khích, lên giải nhì. Bởi anh phát hiện em học sinh đó là con của một người rất thân với anh và tôi hồi còn ở công trường Củ Chi. Ông ấy không nhận ra anh, nhưng anh làm điều đó như một yêu cầu tự nhiên, như là sự mách bảo của trái tim anh lúc đó.  Nghe Tú kể đến đây, tôi cắt ngang:
- Ồ, người anh nói có phải chú Ba không vậy?
- Đúng là chú Ba!
- Sức khỏe lúc ấy của chú thế nào? Chú còn làm nhà nước hay không? Chú có nhắc cái thằng quậy này?
- Đúng là anh không khác hồi xưa mấy. Hấp tấp. Nóng nảy.– Tú nhìn tôi, cười: - Trông chú Ba có vẻ khỏe hơn hồi còn ở Củ Chi. Hình như lúc ấy chú làm ở phòng kỹ thuật của Sở xây dựng thành phố. Sau lễ trao giải, tôi đến gặp, chú mừng rỡ và ôm chầm lấy tôi vì không ngờ gặp lại một trong hai siêu quậy của công trường. Chú có hỏi thăm anh, nhưng cũng nhận xét rằng, cái tính của anh sẽ làm cho đời anh vất vả…
      Nghe Tú nói, tôi lại nghĩ miên man, chẳng phải sự quen thân không tốt hơn sao? Đến chừng tuổi này rồi, sao tôi lại không hiểu được điều ấy! Tú nói đúng. Phàm hễ công việc gì mà do con người làm thì tìm sự công bằng đúng là quá khó, nếu không muốn nói là không thể. Sức người có thể dời non lấp biển, nhưng lại không thể chia đều cái bánh tráng cỏn con cho nhiều người, thậm chí chỉ hai người. Thế thì tôi có cần phải quan tâm đến chuyện được hay không được giải? Hơn nữa tôi gửi bài đến cuộc thi cũng chỉ vì muốn chia sẻ, giải bày của mình về một trong những kỷ niệm khó quên của những tháng ngày làm công nhân xây cất bệnh viện đa khoa Củ Chi cách đây ba mươi sáu năm.


     Ngày ấy khi tôi đến Củ Chi, cái ngã tư Hố Bò thuộc xã An Nhơn Tây chỉ có mấy nóc nhà được dựng lên sơ sài sau kết thúc chiến tranh. Từ công trường đến ngã tư khoảng hai trăm mét, nhưng có rất nhiều hố bom chưa được san lấp. Mảnh bom và mảnh đạn pháo thì không  thể nào đếm hết được. Chỉ một khoảnh nhỏ thôi đã thấy sự hủy diệt của chiến tranh trên mảnh đất này thật khủng khiếp. Những công nhân quê ở đây kể cho tôi nghe những hy sinh, mất mát như những tráng ca bi hùng của một thời máu lửa đạn bom ở một nơi nằm sát cửa ngõ Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hòa bình lập lại, họ lại cùng chúng tôi lao vào cuộc mưu sinh như bao người khác, cũng ngủ trên những cây gỗ tám nhân mười sáu, mười nhân hai mươi khi đêm về trong các phòng kho không ra kho, và cũng chẳng phải là nhà ở dành cho công nhân. Tại đây tôi biết Tú vì hai đứa cùng ngủ chung phòng. Tú cũng là dân Sài Gòn như tôi, xin lên Củ Chi làm công nhân, chỉ vì cái tính gàn gàn ương bướng, thích làm điều khác lạ, trong khi anh có thể tiếp tục học đại học, bởi lúc miền Nam được giải phóng, anh đang học năm nhất Đại học khoa học Sài Gòn. Tất cả bạn bè đều chuyển sang học theo ngành cũ, nhưng Tú lại chọn Củ Chi, sau một thời gian nằm nhà đọc sách.  Cũng may là lúc rời khỏi Củ Chi khi công trình xây bệnh viện hoàn thành, Tú không muốn phí thời gian nên tập trung ôn lại bài vở, nộp đơn thi và trúng tuyển vào đại học sư phạm thành phố. Bao năm qua, anh ổn định công tác chuyên môn tại phòng giáo dục của một quận nội thành.
     Riêng về tôi, chú Ba có nói với Tú là đời tôi sẽ vất vả vì cái tính khí của mình. Tôi hiểu, chuyện đã lâu rồi, nhưng tôi, Tú, chú Ba và anh chị em công nhân trên công trường ngày ấy làm sao quên được cái hôm công trường phát động thi đua, tôi đứng lên phê phán chỉ huy trưởng công trường, lấy xe jeep của đơn vị đi đám này tiệc kia, đi săn bắn thú rừng, kể cả chở vợ đi chợ hằng ngày… là một sự lãng phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân về nguồn điện sáng hằng đêm vì thiếu xăng để chạy máy nổ… Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy đó là cú vỗ mặt quá mạnh của một công nhân đối với lãnh đạo công trường trong thời điểm của những ngày đầu sau giải phóng. Khoảng mười ngày sau, tôi có quyết định được điều về phòng tổ chức lao động tiền lương của công ty xây lắp thành phố, nhưng chỉ huy trưởng công trường bảo rằng, tôi cần có thời gian lao động để rèn luyện, về công ty sau cũng chẳng muộn. Một số anh em công nhân biết chuyện, gặp tôi, nói: “Đấu tranh là tránh đâu, bạn ạ!”. Tôi chỉ cười trừ. Và cũng qua chuyện này, chú Ba lại để ý và mến tôi. Là đội trưởng đội lao động của công trường, chú xếp tôi vào tổ trộn bê tông ở trong lán có mái che vừa đỡ nắng, vừa nhẹ hơn là ở tổ xe rùa, đã nắng mà còn nặng, nhất là chuyển bê tông lên mấy cái nền cao, không khéo dễ bị té khi cố đẩy chiếc xe rùa lên bậc cấp bằng miếng ván lót tạm, gập ghềnh. Thường ngày, khoảng chín giờ đến mười giờ, chú Ba thường hay xuống nhà bếp xin cơm cháy rồi ra công trường phân phát cho anh em lao động, gọi là “bồi dưỡng” giữa giờ để tăng sức mà lao động đến trưa. Riêng tôi thì chú phát sau cùng và có phần nhích hơn anh em.
     Ở Củ Chi ngày ấy có một chuyện khó quên là chuyện của Thiện, người cùng tổ trộn bê tông với tôi, tốt nghiệp cử nhân luật năm một ngàn chín trăm bảy ba, đang theo lớp cao học chuyên ngành tư pháp Đại học Luật Sài Gòn. Anh lên công trường cùng với Hà, sinh viên năm nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn, người yêu của anh. Cả hai đều là dân Sài Gòn. Tôi mãi nhớ những đêm tối như mực và hoang vắng của một vùng đất bị cày nát bởi đạn bom và các chất độc tàn khốc hủy diệt sự sống của cuộc chiến tranh vừa kết thúc - ở phòng bên, tiếng hát của Hà trong trẻo hòa trong âm thanh tiếng đàn guitar của Thiện, nghe ấm áp và thanh bình đến lạ. Một bữa nọ, vào cuối buổi sáng, chiếc xe rùa chở bê tông của Hà bị ngã khi Hà đang cố đẩy lên nền nhà trên cao. Hà cũng bị té và bị trầy xước nhẹ. Thiện trong lán lao ra đỡ Hà dậy. Điều làm tôi ngạc nhiên là Hà không khóc nhưng Thiện lại khóc. Và chiều hôm đó Thiện đã làm thủ tục xin nghỉ việc cho Hà và sắp xếp Hà về Sài Gòn. Có lần tôi hỏi Thiện: “Sao bữa ấy anh lại khóc?”, thì anh bảo, anh rất yêu Hà nên khi thấy vậy, anh đã khóc. Và anh còn bảo, tình yêu mà, biết làm sao được!
     Năm tháng đi qua, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu của anh ngày ấy, một tình yêu vượt qua mọi mực thước và những cách nhìn khác biệt trong thể hiện, bởi nó đi từ suối nguồn của trái tim. Không có những thước phim hay bất cứ một tấm ảnh nào về những giọt nước mắt của Thiện buổi sáng hôm ấy, nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy đó là những giọt nước mắt đẹp, tinh khiết của tình yêu mà Thiện dành cho Hà.
          Khi ngồi trước bàn phím ghi lại những câu chuyện để tham dự cuộc thi, suy nghĩ ban đầu của tôi là chỉ muốn chia sẻ những kỷ niệm khó quên cái thuở làm công nhân xây cất bệnh viện đa khoa  Củ Chi, ở cái tuổi còn rất trẻ, chỉ hăm mốt, hăm hai. Và cũng hy vọng, biết đâu chúng tôi còn có cơ hội gặp lại nhau, nếu ai đó trong số họ đọc được bài dự thi của tôi, rồi nhớ ra cái thằng nhỏ dám phê phán chỉ huy trưởng công trường tại buổi lễ phát động thi đua của toàn đơn vị vào cuối năm một ngàn chín trăm bảy mươi sáu.
- Anh bạn ơi, về thôi!
Tú nhắc, có lẽ vì thấy tôi như lạc vào quá khứ quá lâu. Tôi ngó lên thấy anh nhìn tôi như thương hại, bởi đến bây giờ mà tôi vẫn còn chưa thoát ra được cái nhận thức, đã giỏi là phải về nhất. Như để khẳng định quan điểm của mình là đúng, Tú nói:
- Học giỏi thì có thể có điểm mười, nhưng điểm mười thì chưa chắc đã học giỏi. Và đâu phải thiên hạ không biết những việc sắp đặt thứ hạng, mua giải ở một số gameshow giải trí gần đây trên truyền hình, cộng đồng mạng nói ầm lên đấy. Nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Chuyện của muôn đời mà!

      Trên đường về, tôi lại cứ phân vân mãi những điều Tú nói. Chuyện công bằng và sòng phẳng trong thi cử sao lại thế được?  Chẳng phải ai cũng biết, một đốm lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng đó sao!
N.H.D


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét