Cây bút trẻ Ngô Thúy Nga
Trong những giấc mơ thi thoảng lặp lại, tôi thấy mình mọc cánh, và bay đi. Đôi khi, chẳng biết vô tình hay hữu ý, bạn bè vẫn thường bông đùa rằng, mày cứ như loài chim di, nay đây mai đó, không biết mệt. Ừ. Cuộc đời là những chuyến đi, dài và ngắn. Đôi khi, cứ đi thế thôi, chẳng biết để làm gì…
Tôi ngược về Dran, mảnh đất chưa một lần đặt chân đến, không chắc vì một lý do nào cả. Bỗng dưng, muốn đi, muốn bỏ phố về núi, muốn vùi mình tan đi trong mù sương. Có lẽ, tại đời trôi nhanh quá, nên đôi khi, thấy cần những khoảng lặng để đong đếm những buồn vui của cuộc đời.
Dran những ngày cuối năm. Con nắng hanh vàng trên những hàng thông đang hờ hững găm những mũi kim vào hư vô. Lạnh! Cái lạnh ngọt ngào và có gì đó xao xác nơi góc lòng. Một vài cung đường chúng tôi đi qua, mai anh đào hồng lên ướt mắt, như khoe hết đời mình để tàn lụi. Tàn lụi rồi tái sinh, vẫn với dáng hình ấy. Tôi mơhồ nghĩ tới phận người. Rồi cũng tái sinh, nhưng chưa biết trong một dáng hình nào cả. Đôi khi, tôi vẫn nghĩ tới tiền kiếp của mình như vô thức, biết đâu, mình đã từng là cánh hoa ngọn cỏ, hay một con dế vô ưu nào đó đêm đêm vẫn hát trên đồi.
Đường đèo khúc khuỷu. Tôi lại liên tưởng đến đường đời, cũng chẳng bằng phẳng hơn là bao. Đi qua một khúc quanh nào đó, chợt nghe tiếng chuông nhà thờ đổ vội. Chiếc xe dừng lại cho những người bạn đồng hành chụp vội tấm hình làm lưu niệm. Tôi ngồi trước ca-bin, dõi mắt nhìn mấy đứa trẻ thơ nhếch nhác bên vệ đường. Chúng nhoẻn miệng cười với tôi, những nụ cười hiền như giọt sương còn đọng lại trên cây hoa ban gần đó. Chợt thấy lòng an yên như một sớm ngày xưa về úp mặt khóc trên vai mẹ.
Dran đẹp như một nụ cười, len lỏi vào những khoảng trống đang rỗng rễnh trong lòng, không giới hạn…
Xe lại lăn bánh, tôi lại trùng triềng trôi trong mộng tưởng. Có người chú già không dưng gọi điện, kể cho tôi nghe về con dốc ảo ảnh, đang ở đâu đây gần tôi lắm. Con dốc khiến người ta chẳng thể phân biệt được đang lên hay xuống, vậy nên mới có tên gọi ảo ảnh chăng? Tôi thường không cố phân định cảm xúc, cứ để chúng chen lấn, chồng lên nhau hoặc ẩn hiện vô thường. Có những khi, thấy lòng mình trống hoác. Có những khi, tựa hồnhư đang trôi vô định giữa cuộc đời. Tôi cùng NQT, NSB và NDQ dừng lại trên mé đồi, nơi có thể nhìn thấy hồĐa Nhim lọt thỏm giữa rừng thông già đang thay áo. Con đường đẹp quá. Bỗng dưng, muốn nằm xoài ra giữa đường và ngủ một giấc thật sâu, mặc kệ những xe cộ đi qua. Thi thoảng, tôi lại muốn nằm giữa đường như thế, lắng nghe hơi thở của đất hòa lẫn trong mùi thơm dìu dịu của hàng thông phất phơ những ngón tay gầy. Có ai mua nổi con đường bình yên đó, cho tôi ngủ một giấc đến ngày sau? Dran, đẹp như chiếc lá vừa rơi xuống, khâu gì trong cơn gió lạc mùa…
Tôi tần ngần đứng trước cổng bưu điện Dran, thấy vừa xa lạ lại vừa như đã thân quen từ lâu lắm. Có lẽ, thân quen trong những câu chuyện về Trịnh Công Sơn và Đinh Cường, mà thi thoảng NQT và NSB có kể cho tôi nghe về những lá thư tay được gửi đi cho một cô gái. Cô gái ấy, tôi chẳng biết gì ngoài cái tên Dao Ánh và một bức họa nào đó do Trịnh Công Sơn phác thảo. Chỉ thế thôi, mà thấy lòng bộn bề cảm xúc. Tôi lại mường tượng vềchiếc xe thồ chở Trịnh Công Sơn tới đây, nơi tôi đang đặt bàn chân mình lên những kỷ niệm. Hòm thư ngày trước đó chăng? Con nắng hanh vàng và chút gió cuối năm ùa về xao xác khi chúng tôi dàn hàng đứng trước cổng bưu điện chụp tấm hình để gửi cho Đinh Cường đang ở trời Tây xa lắc.
Như vẫn còn lưu luyến, chúng tôi kéo nhau tới ngồi quán café lề đường của một người bạn NDQ, ngay đối diện với bưu điện Dran. Gửi hình cho Đinh Cường xong, tôi gom những mộng cũ của người xưa gói lại, chợt thấy cần chút khoảng lặng cho riêng mình. Ngoài kia, dòng người vẫn ngược xuôi, có khi hối hả, có khi chậm rãi nhưđếm bàn chân mình hằn in lên mặt đường. Rồi những bàn chân ấy, sẽ bị vùi lấp bởi bụi đường và bởi những bàn chân khác, cũng hối hả và chậm chạp lướt qua.
Tôi ngồi thật lâu với ly café đặc quẹo, chỉ để nhìn đời trôi đi vô thường. Tự nhiên, nghe lòng chộn rộn nỗi buồn nào đó chẳng tên tuổi. Chợt nghĩ, nỗi buồn cũng vô thường thôi, sao người ta chạy trốn nó nhiều đến thế? Tôi không sống được nhanh, nhưng vẫn muốn chậm lại thêm nữa, không biết để làm gì, chỉ là muốn thế thôi. Tôi chưa đủ già để suy tư về những đoạn đời của chính mình, những khúc ngoặt của định mệnh, hay một cái gì đó lớn lao và ý nghĩa hơn thế, chỉ trệu trạo ăn bóng đêm, nghĩ về đôi ba lỗi lầm rồi nhìn mình thật lâu trong nỗi buồn chẳng bao giờ có tên gọi. Rồi bật khóc như vô thức, tự hỏi rằng tôi là ai, tôi từ đâu tới và tôi đi về đâu? Chẳng bao giờ tìm được câu trả lời. Có lẽ, vì thế mà thấy đời đau, mà ôm nỗi buồn rao bán, cũng chẳng biết đểlàm gì…
Không biết từ bao giờ… tôi, nghiện lang thang, rong ruổi nơi này chốn nọ. Nhiều khi, cứ đi thế thôi, chẳng bao giờ biết đích đến hay một điểm dừng nào đó nhất định. Cũng có lúc ngủ vùi bên vệ cỏ, dưới lòng đường không bước ai qua. Thấy đời mệt quá, ồn ã quá, và… chênh chao quá, nên… cứ thấy lòng rơi nghiêng, cứ muốn bấu víu vào một cái gì đó không thuộc về con người, tạm bợ như cuộc sống và thân xác ta, mà mấy ai nhận ra được… Trầm luân nỗi buồn. Cũng chẳng biết tại sao người ta hay ngoái lại nhìn về quá khứ. Tôi cũng vậy. Thi thoảng, lại ăn mày dĩ vãng, dáo dác tìm lại mình của ngày xưa.
Nhìn qua bên kia đường, hòm thư màu vàng sẫm vẫn đứng đó, chơ vơ với những vệt xước ngày xưa. Dran, đẹp như cuốn phim buồn, chậm quay về dĩ vãng, một dĩ vãng không màu, nhẹ bẫng…
Người bạn của NDQ đưa đoàn chúng tôi vào thăm đập thủy điện Đa Nhim. Tôi nhớ loài hoa bìm bịp, giăng mắc những giọt buồn tím biếc bên vệ đường. Loài hoa ấy, như rút hồn mình, tím ngây dại nửa đời người con gái.
Hoa tím buồn rồi
Em đừng sầu thêm nữa
Tôi đau…
Màu xanh của hồ nước hiện lên phía xa xa. Tôi lại nhớ dòng sông Lam của quê nhà. Những buổi sớm nhiều sương, nước sông lại đượm lên màu lam ngút ngàn, cái màu lam lạ lùng đến nỗi, tôi chẳng thể nào bóc trần đểgọi tên một tính từ nào nữa.
Tôi ngồi lại bên bờ hồ, nhìn những ngọn lau phất phơ trong gió, bỗng thấy thương vai mình gầy. Nước vẫn xanh mà tóc người một sớm mai nào đó, lại bạc trắng mái đầu. Một vài cuộc gặp gỡ trong đời, nuôi những sợi tóc xanh lại. Rồi một lần tình cờ hạnh ngộ, ta bỗng thấy lòng trắng xóa nỗi đau. Phận người… như bông cỏ lau ngoài kia, mong manh như con nắng cuối mùa, nắm níu ngày và đêm, rồi chợt thấy mình vô hình dạng. Tôi xõa tóc mình trong gió, thương chiếc khăn buồn hờ hững buông. Bỗng nhớ câu hát của Trịnh: Lòng thật bình yên, mà sao buồn thế? Đôi khi, cứ vu vơ thế thôi, rồi ôm cả khoảng không của đất trời làm tội tình vết thương lòng đang nhói.
Dran buồn. Tôi lặng lẽ đưa bàn tay mình trong gió, nắm lấy chút vô thường vừa ghé qua. Nhiều hơn một lần, tôi bỗng thấy yêu nơi này đến lạ.
Có lẽ… tôi có quá nhiều khát khao, quá nhiều nỗi niềm muốn chôn giấu, nên… luôn cảm thấy đời đau, luôn nhìn thấy những nỗi buồn ơ thờ trong những niềm vui lớn nhỏ. Mà niềm vui thì chóng vánh qua đi, chỉ có nỗi buồn là âm thầm khoét thêm vết mờ trống huơ trống hoác trong lòng. Tôi không phản đối khi người ta bảo tôi đang lấy gai thép tự trói mình, tuổi trẻ mà, cứ chơi cho hết mình, sống cho hết mình. Nhưng chưa nghe ai nói với tôi rằng, ừ, hãy buồn đi, buồn cho hết mình, rạn vỡ cho hết mình. Hãy đi đến tận cùng của nỗi buồn đi, và xem nó là gì, sự cô đơn đến rỉ máu, hoang hoải đến tàn tạ, hay một thế giới khôi nguyên như những hạt mưa không bao giờ vỡ, hay là một cảm xúc nào đó chưa thể gọi tên bao giờ? Đôi khi, tôi vẫn thường thắc mắc tại sao người ta lại không muốn sống với nỗi buồn? Nỗi buồn cùng với sự cô đơn là con đường đưa ta đến bản thể của chính mình, tôi vẫn thường nghĩ thế.
Đôi khi… muốn bỏ tất cả đi, để lòng rỗng không, để nghe thấy được mình đang thật sự cần điều gì. Như lúc này đây, lại thèm được làm một điều gì đó điên cuồng. Thèm được nhảy ùm xuống lòng hồ sâu, rồi phó mặc đời mình cho con nước…
Khi tạm xoa dịu được lòng mình, tôi mơ hồ nghe Sông Ba nói gì đó về ga Eo Gió. Nghe cái tên thôi, đã thấy tượng hình quá đỗi. Tôi chẳng tìm thấy một hành khách nào ghé lại nơi đây, chỉ thấy dấu tích ngày xưa làm tổtrong đầu. Khóm quỳ còn sót lại, vàng ươm giọt nắng cuối năm.
Tàn một mùa quỳ rồi. Người xưa giờ nơi đâu? Tôi đã từng hẹn với K, sẽ về núi khi quỳ trổ bông những cung đường. Thi thoảng trong giấc mơ, tôi thấy tôi là nhành cúc quỳ, tàn rụi trong nắng đông xám ngắt. Năm đó, tôi lỗi hẹn. Hết đông, và tàn mùa hoa rồi, mà tôi vẫn lênh đênh giữa dòng đời, chẳng còn đủ bình yên để về tìm K, cười với nhau một nụ cười rồi đi tìm những bông quỳ còn sót lại.
K vẫn chờ, vẫn nhắc tôi về một mùa hoa mà tôi vô tình hay hữu ý lãng quên. Hôm nay, tôi lặng lẽ về Dran, lặng lẽ đi qua ngôi nhà của K im lìm đóng. Gót hài tôi còn đó, mà dấu chân K trống vắng đã lấp đầy.
Dran, đẹp như loài dã quỳ trong nắng muộn.
Dran mùa này… sao cứ dài nhung nhớ…
N.T.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét