Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

MÙA XUÂN BÊN KIA TRIỀN DỐC - Truyện ngắn của Lưu Thị Mười

                                                                Nhà văn trẻ Lưu Thị Mười


- Lại đi công tác nữa à?
- Dạ, đi Quảng Nam ba ngày cùng với cả phòng, quay cái phóng sự cho số Tết.  
- Nhớ mang theo chìa khóa. Tối mai, tôi bay Sài Gòn một tuần. Tháng tới cùng đối tác qua Sing.
Chồng quay lưng, kéo mạnh cà vạt, cất cặp rồi đi vào phòng riêng thay đồ. Không quan tâm chị đi bằng ô tô cơ quan hay tàu, máy bay. Không cả việc hỏi chị cần chở ra sân bay, ga. Mỗi người mỗi việc. Chồng, với công việc kinh doanh phát triển cả trong và ngoài nước cùng liên tục những buổi tiệc tùng khách khứa. Còn chị, những ngày rong ruổi gần xa quay, biên tập cho tạp chí. Từ bao lâu rồi họ không còn bận tâm đến giờ giấc, công việc của nhau? Từ khi nào đã không quan tâm chuẩn bị cho nhau đồ đạc, xếp vào vali trước ngày đi công tác? Không còn chở nhau đến sân bay? Không còn tặng nhau một nụ hôn tiễn biệt? Không còn những cuộc điện thoại thầm thì giữa khuya khó ngủ mỗi bận đi xa? Từ bao giờ?
Mà, sao phải suy nghĩ, phải lấy làm lạ vào lúc này khi mọi chuyện đã y hệt những mấy năm nay?
Chị xỏ giày, kéo nhẹ cánh cửa sắt. Tiếng ken két của cánh cửa nặng nề rin rít lạnh lùng, che lấp luôn tiếng thở dài chị định chôn chặt.

Con bé gọi điện khi chị đang ngồi taxi. Cô ơi, tuần này cô lại đi công tác à? Ừ, cô đi công tác Quảng Nam con à, chủ nhật cô mới về. Thế tuần này Nếp không được gặp cô sao? Ừ, Nếp ngoan, khi nào sắp xếp được cô sẽ sang mà. Dạ. Giọng con bé buồn xo nhỏ hẳn. Hình như có tiếng anh nhắc khẽ nên con bé đổi giọng phấn chấn. Nếp sẽ ngoan, cô giữ gìn sức khỏe nha! Thôi, cúp máy đi con, đừng gọi làm phiền cô nhiều, cô bận việc mà. Lần này thì đúng là tiếng anh. Anh đang đứng cạnh con bé lúc ấy. Có phải mình ngày càng nghĩ đến người đàn ông có vẻ mặt trầm tư, sâu lắng ấy nhiều hơn? Không, chị xóa vội suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Chỉ là lo và nhớ bé Nếp đấy thôi!

 Họ vẫn còn ngồi ăn cơm chung với nhau, thi thoảng. Tuần vài lần. Vì phần lớn chồng đi cùng đối tác và khách khứa. Chị thì ăn trưa cùng đồng nghiệp, chiều không tụ tập thì nấu vội món gì đó ăn một mình. Thảng hoặc, chồng chị về nhà lúc đang lỡ bữa thì họ vẫn chung mâm. Bữa ăn thường nhàm chán và đơn điệu. Không hẳn vì thiếu thịnh soạn, không nhiều món. Có lẽ thiếu đồng điệu, thiếu gia vị yêu thương trong những đĩa thức ăn và không khí trong bàn ăn. Cả chuỗi yên lặng và tẻ nhạt. Đôi khi gượng gạo. Cả hai nuốt vội vài chén, trao đổi vài lời về ngày mai, hoặc có khi không nói gì, tivi mở thật to. Mỗi người vừa ăn vừa cắm cúi dán mắt vào. Cứ vậy, và - họ vẫn là vợ chồng gần mười năm nay, vẫn chung mâm, chung nhà, chung giường, dù rất hiếm. Trước, đôi lúc, chị cũng muốn làm một cái gì cho khác đi. Ngay cả chồng chị cũng thế, đã từng nỗ lực, chẳng hạn về nhà sớm hơn, còn chị mua nhiều thức ăn hơn, mở sẵn bản nhạc vui và nấu nhiều món chờ chồng về, nhưng vẫn chẳng cải thiện được gì. Tại sao? Tại sao không thể khác hơn? Sự nguội lạnh, hững hờ vĩnh viễn là vách ngăn lạnh lùng sẽ mãi kéo lê? Đâm ra chị sợ cả những bữa ăn như thế. Chị đọc được điều ấy từ suy nghĩ của chồng. Tiệc tùng, đối tác, cuối ngày, cuối tuần lê la cùng đồng nghiệp nhiều lúc lại là giải pháp. Để đỡ gặp nhau. Những bữa ăn chung ngày một giảm đi, hết mức có thể, chỉ khi có khách hoặc gia đình hai bên ghé thăm thì chị mới nấu, chồng chị lại về đúng giờ. Vẫn sum vầy, trò chuyện. Và họ mặc nhiên xem sự im lặng, không ầm ào, không đay nghiến, vặn vẹo, cũng không buông tay, như là sự tôn trọng tối giản, là điều tốt đẹp cuối cùng họ dành cho nhau trong cuộc hôn nhân này. Đôi lúc, chị thử lý giải có lẽ vì sự thiếu vắng tiếng cười khóc của con trẻ chăng? Nhưng cũng không hẳn! Vả lại cách nghĩ ấy càng làm chị đau đớn bởi những giấc mơ mịt mờ đầy ám ảnh nên dần tập gạt đi, tập an nhiên. Sự an nhiên rất một mình, chông chênh.
Ngày Thỏ mới bỏ chị đi, chị thường có những giấc mơ. Những giấc mơ hoang hoải. Về một nơi nào đó không có thật. Xa vời, đầy tối tăm, u ám. Nhưng chị lại lặn lội đi tìm, chủ động đi tìm những ác mộng hãi hùng ấy, để rồi lần nào khi bật dậy giữa đêm khuya, hay giữa giấc trưa vật vã đều tê dại, trống vắng, rũ rục dù trong những giấc mơ ấy chị được gặp Thỏ. Thỏ bé bỏng của chị. Có hình hài, gương mặt bầu bĩnh, ánh mắt to tròn, mái tóc ngộ nghĩnh thắt bím rồi cuộn tròn dong dỏng hai bên như tai thỏ. Thỏ của chị lúc hồn nhiên, ngơ ngác giữa lầy lội, mịt mù phía trước vẫy chị chạy theo, lúc nhập nhòa, tan biến cứ lùi dần, lùi dần bỏ chị. Chị xoài người lao theo, trên con đường ma mị ấy, và lần nào giấc mơ cũng kết thúc bằng một nhầy nhụa máu lênh láng trong nhà tắm. Chị bụm tay, cố giữ những giọt máu bầm đen ấy lại, rồi nấc lên, điên dại, giữa sự thất thần, dằn vặt và cũng đau đớn chắc không kém từ chồng. Ánh mắt hốt hoảng không kịp hiểu chuyện gì xảy ra của chồng chị. Sự ân hận lỡ nóng nảy không kiềm chế trong cơn giận và say đã mạnh tay xô chị. Chồng chị không lường được hậu quả, và lỗi cũng không hẳn chỉ do chồng. Chị biết hết, nhưng hình ảnh vệt máu loang loáng, sự uất ức, mất mát, và đau đớn  cả thể xác và tinh thần đã làm chị lãnh cảm và khó thể quên đi, dù chị đã cố rất nhiều lần. Vĩnh viễn không xóa được cái cảm giác lịm đau khi thụp người vơ vội những nhầy nhụa máu. Vĩnh viễn cái cảm giác quặn cả tim gan khi nhìn máu chảy đỏ bắp vế, đỏ cổ chân, bàn chân, chảy xuống nền nhà tắm, và rồi ồ ạt, cuồn cuộn tuôn ra... Cái cảm giác giày vò khi đã đẩy đi một yêu thương, làm cho núm ruột của mình chới với không bấu víu được để tồn tại trong cơ thể mẹ, bị đẩy tống ra ngoài. Những khủng khiếp đó luôn xuất hiện trong giấc mơ hãi hùng của chị. Dù tháng ngày sau đó, chị đủ bình tĩnh và thấu hiểu để không dằn vặt chồng, bởi có người cha nào nỡ muốn mất đứa con đầu lòng. Cả hai né nhau, lãng tránh nhau, và lặng im hết mức có thể. Tôn trọng và giữ cho nhau hết sức có thể. Nhưng nỗ lực thế nào thì cũng là những nhàn nhạt gượng gạo. Phải chăng do sự cố ấy, hay do cả một cuộc tình quá vội chưa đủ mãnh liệt, sâu sắc để cảm thông? Và cũng không ai nghĩ đến chuyện buông tay. Vì trách nhiệm? Vì nghĩ đến những mệt mỏi để bắt đầu? Hay vì nghĩ rồi cũng chẳng khác đi, ở tuổi này, khi đã quá nửa đời người?
Và lúc nỗi đau đã nằm yên trong một góc khuất sâu riêng chị, kể cả tái tê khi biết mình không còn cơ hội làm mẹ nữa sau đận ấy, chị cũng đủ sức bặm môi gồng mình chịu đựng. Với chị, không có một mất mát gì có thể làm chị gục ngã hơn khi chứng kiến Thỏ bé bỏng từng giọt, lênh láng rồi ồ ạt vỡ toang tuồn tuột khỏi cơ thể. Thỏ xinh xắn trong những giấc mơ là do chị tưởng tượng ra, hay do linh hồn bé bỏng, bơ vơ của con ám ảnh rồi vương vấn tìm về chị không biết. Chỉ biết rằng dù giấc mơ có hành hạ thế nào thì chị cũng không né tránh, vì chị sẽ gặp Thỏ, một hình hài đã rõ ràng, rất thật. Và rồi, sau này, khi gặp được Nếp, cũng đôi mắt to tròn, hai tai thỏ dong dỏng đáng yêu, lúc nhập nhòa lúc hiện rõ lên rồi nhập lại thành một, Thỏ và Nếp, rồi còn lại Nếp. Chị tìm đến Nếp, như một sự vớt vát, để cứu rỗi cho mình, yêu con bé như núm ruột. Cũng từ dạo đó, những giấc mơ nhẹ nhàng hơn, không còn làm chị vật vã khi tỉnh dậy nữa. Lúc tỉnh giấc, thể nào chị cũng gọi điện nghe Nếp líu lo hoặc tìm cách tới thăm con...
Chị gặp mặt Nếp lần đầu khi chị và đồng nghiệp đến trường của con quay phóng sự cho ngày Quốc tế Thiếu nhi. Trong hàng trăm những thơ ngây, trong trẻo ấy, đôi mắt chị cứ bị hút vào cô bé nhỏ với hai bím tóc ngộ nghĩnh lắc lẻo, đu đưa, đôi mắt to tròn, già dặn, khuôn má bầu bĩnh. Lồng ngực chị chợt đau nhói. Đã thế, con bé còn nhìn chị chằm chằm, rất dạn dĩ sà vào lòng chị ríu rít, hỏi han khi thấy chị khụy xuống. Sao con quan tâm đến cô thế? Vì cô xinh đẹp ạ, vì cô trông giống mẹ con nữa cơ. Giống mẹ trong ảnh í. Sao lại mẹ trong ảnh? Vì mẹ con đi xa thật xa từ hồi con bé tí mới sinh cơ! Rồi con bé nhỏ giọng. Là chết ấy cô à, nhưng bố con bảo đi xa cho con đỡ buồn đấy mà. Lòng chị lại quặn thắt trước tâm tình con bé. Bé tí đã già dặn và ra dáng lắm rồi. Con bé hỏi cả địa chỉ, cả số điện thoại, cả nơi chị làm, và chia tay bằng một cái ngoéo tay cùng giọng hứa chắc nịch: Con sẽ gọi điện cho cô! Và Nếp gọi thật. Chị đã coi đó là duyên. Và câu chuyện quen biết với cả ba con bé những ngày trước và sau đó cũng là duyên, dù khi gặp Nếp, chị chưa từng gặp anh và anh cũng chưa từng biết về mối quan hệ thân thiết giữa chị và con bé. Nhưng thật ra, họ đã biết nhau từ khi Nếp còn bế trên tay.
Người đàn ông đó gọi và gửi yêu cầu đến chương trình phát thanh Quà Tặng Cuộc Sống chị phụ trách ba lần. Và lần nào cũng để lại trong chị một chút trăn trở về câu chuyện và chia sẻ của anh. Cuộc gọi của anh rất dễ bị nhập nhòa giữa hàng trăm cuộc gọi khác chị nhận được và đồng cảm, nhưng lòng chị chùng lại trước giọng nói ấm áp, khàn đặc vì xúc động. Tôi muốn dành tặng bài hát này cho vợ tôi. Cô ấy đang những ngày trong viện. Mọi thứ rồi sẽ ổn, rồi sẽ ổn vợ à! Như thể anh ấy đang trấn an cho cả bản thân mình. Chị phát bài hát theo yêu cầu của anh cùng lời chúc cho may mắn, hạnh phúc đến với vợ anh, gia đình anh. Nhưng lời chúc đã không bao giờ thành sự thật. Vài ngày sau, cũng giọng người đàn ông này, và cũng chính bài hát ấy. Tôi gửi tặng bài hát này cho vợ tôi, dù giờ này cô ấy đang ở một nơi xa, rất xa, một mình... Hôm nay lại là sinh nhật cô ấy... Bài hát là kỷ niệm ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau... Và chị nghe tiếng anh khóc trên điện thoại. Lẽ ra không phát trùng một ca khúc khi chỉ cách nhau mấy ngày, nhưng chị vẫn chọn để phát thanh bài hát chiều hôm ấy. Chị ấy không cô đơn đâu anh à, mà sẽ ấm lòng dù đang một mình nơi nào đó thật xa.
Không đúng sao? Khi bên nhau cũng có nghĩa là gần đâu? Thì xa xôi, cách trở có là gì khi họ nghĩ về nhau? Và chị chợt thèm được như vợ anh, người phụ nữ đoản mệnh ấy, thật hạnh phúc biết bao! Bao lâu rồi, chị không có được những lo lắng như thế từ chồng? Bao lâu rồi, họ đã không sống hết lòng vì nhau?

Vài năm đầu mới cưới, khi chưa có Thỏ, giữa những rệu rã giường chiếu, chồng chị hay hỏi những điều đại loại: Em có hạnh phúc không? Em hài lòng với cuộc sống này chứ? Những câu hỏi chị không thể trả lời rõ ràng mà chỉ biết dụi đầu vào ngực chồng để lãng tránh khéo léo: Có chứ ạ! Hoặc chỉ hỏi nhẹ lại: Anh không cảm được sao? Có lẽ khi hỏi những câu ấy, chồng đã nhìn thấy chút bất an trong cuộc hôn nhân này chăng? Và chị, đã thật sự trải lòng những lúc trả lời? Dù cũng đầy ắp đê mê, đủ để lại vùi vào lòng, tìm vòng tay ấm của chồng? Lẽ nào là không hạnh phúc? Nhưng cái cảm giác thiêu thiếu là có thật, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng len lỏi, hiện hữu trong chị ngày này tháng kia, chị không tự chủ được, còn chồng thì chắc chắn không biết. Và chị luôn ru mình rằng cặp đôi nào mà chẳng thế, khi những ham muốn, mãnh liệt dần nguội lạnh. Thì cứ đi bên cạnh cuộc đời nhau vì nợ đã ràng buộc. Và đằng đẵng những tháng ngày sau khi Thỏ ra đi, chồng chị day dứt với ni đau quá lớn gây ra cho chị, khiến chị trầm cảm. Còn chị, thì không hình dung nổi cuộc sống thế nào sẽ tốt hơn, tách khỏi chồng với vô vàn rắc rối, mệt mỏi trở thành một người đàn bà ly hôn hay vẫn kéo lê chuỗi ngày ngột ngạt? Chỉ biết hai cái bóng dật dờ ngày mỗi ngày đều thấy nhau, thậm chí nằm cạnh nhau mà vẫn xa vời vợi.
Thi thoảng, chuyện giường chiếu có làm họ nhích lại một chút bên nhau. Một chút thôi. Và thường cũng chỉ là giữa chếnh choáng men say từ anh và chị sau một cuộc bã bời nào đó quay về nhà cùng thời điểm. Họ chợt nhớ một yêu thương đã từng ôm ấp? Hay chỉ vì chất men xúc tác làm con đực trong chồng động đậy, kéo vội chị ngấu nghiến? Còn chị cũng vì những đè nén, kìm hãm không được thỏa mãn bao lâu? Tiếc là những ngụp lặn, vật vã, rên xiết vì ham muốn nhất thời chưa đủ để khỏa lấp đi thờ ơ, vô cảm giữa hai người. Chồng sẽ sớm vùi mặt vào giấc ngủ sau những rệu rã rất nhanh còn chị cũng kéo vội đồ lên và về phòng riêng. Hoặc cùng lắm là ngượng ngùng, gượng gạo của cả hai khi tỉnh giấc. Thì dù một cuộc làm tình, hai cuộc làm tình, hay nhiều cuộc làm tình như thế cũng không đủ để níu kéo một cái gì xa xưa hết. Không đủ. Có lẽ những mảnh ghép đã mục ruỗng, rệu rã tới mức chỉ cần níu kéo lỡ tay là vỡ vụn hơn cả sự gắn kết hờ hững này. Và không ai muốn chạm mạnh vào. Không nỡ. Không dám.
Cũng may, những chung đụng như thế rất họa hoằn. Và cũng chưa ai từng đề cập đến chuyện thử tách ra.

Lần thứ ba, anh lại gọi đến chương trình chị phụ trách là gần đây. Phải cách nhau đến mấy năm, nhưng không hiểu sao vừa nghe đến địa chỉ chị lại hình dung và nghĩ ngay đến người đàn ông với giọng ấm áp, khàn đục đã từng gửi tặng bài hát cho vợ mình trước đây. Và lần này là một bản nhạc thiếu nhi tặng con gái nhân ngày sinh nhật sáu tuổi và những chia sẻ đủ lấy đi nước mắt của chị vì đồng cảm và vì cả nỗi nhớ với Thỏ của mình. Nếu được ra đời, Thỏ của chị cũng tròn sáu tuổi như con gái anh. Bố chúc thiên thần của bố luôn vui, khỏe! Nếp này, bố và cả mẹ từ nơi thật xa cũng gửi bài hát này tặng con đấy. Nếp của bố mẹ nghe và thật vui hôm nay con nhé! Bố mẹ yêu con! Nếp ư? Là Nếp của chị ư? Chị không biết hôm nay là sinh nhật con bé, cũng chưa từng nghĩ ra Nếp là con gái anh, dù xâu chuỗi lại thì lẽ ra chị phải biết sớm hơn. Chiều đó, chị lặn lội mấy chục cây số đến vùng ngoại ô tìm địa chỉ nhà hai bố con, cùng con búp bê xinh đẹp làm quà, trước sự vui mừng tột độ của con bé và ánh mắt ngỡ ngàng của anh. Con bé luôn coi chị là một bí mật, bí mật duy nhất mà nó giấu kỹ, chưa từng chia sẻ với bố. Và, họ gặp nhau, như định mệnh sẽ thế! Những cuộc gặp bất cứ lúc nào nếu có thể, và dày đặc tin nhắn ban đầu là vì những lo lắng khi Nếp ốm đau, rồi sau cả sẻ chia đồng cảm cho nhau.
            Những tin nhắn từ anh là hạnh phúc và chờ đợi mỗi ngày của chị. Những nũng nịu từ con bé và những cuộc gọi nghe Nếp líu lo, bi bô làm chị ấm áp. Chị bắt đầu sống những ngày đàng hoàng, biết yêu quý bản thân mình hơn. Ăn uống, thể dục, làm việc điều độ. Không còn những đêm khuya một mình ôm chai rượu trong căn nhà vắng tênh. Không còn những giấc ngủ miễn cưỡng nhờ thuốc an thần khi công việc căng thẳng quá. Chị thấy mình thèm sống, thèm được đẹp, thèm được yêu thương, và thèm cả một gia đình đúng nghĩa. Dù sự thèm muốn đó luôn đồng hành cũng những dằn vặt vì cảm giác có lỗi với chồng khi thấy lòng quá háo hức, đợi mong từ anh. Nhưng chị không cưỡng lại được. Và cũng không dám đi xa hơn. Lẽ nào mình còn có thể hạnh phúc sao? Chị chưa đủ tự tin. Cho dù cái khao khát được phá vỡ những u buồn, những nỗi niềm, trầm ngâm khuất sau đôi mắt của anh là mãnh liệt, và cái khao khát được một lần ngã lên vai anh quên hết nhọc nhằn, chông chênh cũng trỗi dậy mỗi lần chị mỏi mệt, buông tay. Những mong muốn chị chưa từng có với chồng. Và cũng chưa từng nghĩ sẽ đồng cảm được cùng chồng.  
            
Có lần, Nếp gọi cho chị, một chập choạng tối khi chị lui cụi pha mì ăn. Cô ơi, bố say cô à! Say lắm! Một mình bố uống cả chai rượu rất to. Hôm nay là giỗ mẹ con. Bố bảo thế. Nếp ôm bố rất lâu mà bố vẫn còn buồn. Bố có cười và bảo con xem tivi rồi ngủ đi nhưng con len lén nhìn. Hình như bố khóc một mình, không muốn Nếp thấy cô à. Nếp làm gì đây hả cô? Nếp thương bố lắm. Cô đến đây được không? Đêm ấy, chị ngồi cùng anh, con bé nằm trong lòng chị ngủ thật say. Họ hầu như không nói gì, chỉ uống. Và anh khóc. Một người đàn ông khóc sao mà đau đớn! Chị nắm lấy tay anh, thật khẽ. Rồi, anh dùng đôi tay mình ủ ấm cho bàn tay chị, nghe những mong manh như muốn vỡ tan. Chỉ muốn mãi được tựa vào vai anh sau những cuộc say thế này. Và anh, cũng hãy ngã vào lòng chị mà quên đi nhọc nhằn, hiu quạnh. Và cũng chỉ thế. Chỉ thế thôi! Rồi chị quay về căn nhà trống vắng của mình. Đã khuya, khuya lắm. Chị có một cuộc điện thoại lúc về đến nhà.
Chồng chị bị tai nạn ô tô. Chị nghe tin ấy qua giọng nói của một người lạ. Chạy vội đến hiện trường. Người đàn bà trẻ đẹp cùng chồng chị đều bất tỉnh trong ô tô. Những ngày đêm lo âu trong bệnh viện. Chồng chị vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, chị thở dài cầm tay anh lo lắng, không nghĩ đến chuyện tra gạn người phụ nữ kia về mối quan hệ với chồng mình dù cô ấy đã tỉnh, xuất viện, và mỗi ngày đều thập thò ở bệnh viện chờ lúc chị về nhà, đến cơ quan là chăm sóc và lo cho anh. Chị vẫn cứ lờ đi. Nếu cần thiết thì khi tỉnh lại chồng chị sẽ nói. Còn lỡ không may anh vĩnh viễn không thể tỉnh lại thì chị biết cũng chẳng để làm gì. Tìm hiểu mọi ngóc ngách, gốc rễ có làm cho lòng chị rõ ràng hơn? Hay chỉ vì chị đã không còn cảm xúc vói chồng nên mới thế?
Những ngày đêm mất ngủ vì lo lắng cũng qua đi, chồng chị tỉnh lại, câu đầu tiên hỏi chị: Cô ấy có sao không? Cô ấy đâu rồi? Chị chảy nước mắt. Vừa mừng vì tình trạng sức khỏe của chồng đã ổn. Và cả một chút hẫng nữa. Có không? Chị kiềm tiếng thở dài, buông thỏng tay anh. Lòng trống rỗng. Chồng có người đàn bà khác. Có gì lạ lùng lắm đâu! Chị đã từng nghĩ đến chuyện này mà. Khi cuộc hôn nhân của họ như thế! Thì chuyện này chỉ là sớm muộn! Sao lòng vẫn chẳng thể an nhiên?
Hôm ấy là sinh nhật lần thứ bốn mươi của chị. Những ngày giáp Chạp, cuộc sống dù hối hả, vội vã, như dòng chảy tấp nập của dòng người ngoài kia thì sinh nhật chị cũng sẽ lặng lẽ như bao sinh nhật đã qua. Còn lặng lẽ hơn vì chị từ chối đi với đồng nghiệp sau giờ làm việc và lấy lý do bận chăm sóc chồng trong viện. Và cũng định như thế thật! Thì người đàn bà ấy gọi cho chị, giọng rụt rè, nhưng chân thành, như hiển nhiên là vậy. Gọi bằng điện thoại chồng chị. Nếu chị bận, hôm nay cho tôi ở lại viện với anh ấy nhé! Chúc chị sinh nhật vui vẻ! Là tôi vừa nghe anh ấy nói thế. Tôi sẽ ở lại trông anh ấy, chị nhé! Chị buông máy. Không biết lòng đang thế nào. Buồn? Vui? Sao không phải là một cảm giác gì đó rõ ràng, như lồng lộn lên vì ghen tức, hay đau xé lòng khi vị trí bên chồng không phải là chị? Hoặc giả tức tối vì bị qua mặt đi cũng được? Nhưng rõ ràng, chị không nghe lòng mình quá đau đớn. Không đến nỗi không chịu đựng thấu. Cũng không thể nhẹ nhàng. Chỉ là vô cảm. Và nguội lạnh. Đúng không?
Nhưng những giọt nước mắt là thật. Rất thật. Vì buồn? Vì tủi thân? Hay vì cô đơn trong ngày này? Có lẽ tất cả. Chị để mặc nước mắt rơi. Và chạy xe về nhà. Không hoa. Không bánh. Không tiếng nói cười. Không cả sẻ chia. Chị, rồi sẽ đối ẩm với bóng đêm. Chai rượu. Và sự cô đơn. Sẽ vậy. Rồi cũng ổn mà! Một mình đón tuổi! Có phải lần đầu tiên đâu, sao nước mắt vẫn rơi?
Cô này, người lớn khóc nhè là xấu lắm cơ. Nếp nhìn thấy cô khóc rồi, cô  lau nước mắt đi. Tiếng con bé thỏ thẻ, nũng nịu. Nếp đang chờ cô nè, ở gần cô lắm! Rất gần, cô nhìn sang bên kia đường đi ạ!
Có gì đâu! Bánh kem, bó cúc họa mi dịu dàng tinh khiết, Nếp và anh. Trong một quán cafe gần cơ quan chị. Một chiếc khăn quàng cổ ấm áp anh nhẹ nhàng choàng lên vai chị. Và sau đó những bi bô con trẻ trong chiếc xe chở ba người ra vùng ven ngoại ô gần nhà anh. Chỉ vậy! Có gì nhiều nhặn đâu! Mà làm cho chị hạnh phúc thế kia! Và chị lại khóc, giữa lúc thổi nến, một bên là cái vòng tay ôm bé xíu xiu vỗ về của con bé. Một bên là ánh mắt ấm áp của anh. Còn quà bí mật của Nếp nữa cơ! Nếp dắt cô đến một nơi đặc biệt nhé! Là quà của con tặng cô đó. Bố cũng chưa được biết đâu ạ.
Họ dựng xe gần nhà anh. Con bé kéo hai người chạy băng băng qua triền đồi. Cái váy đầm trắng củn cởn trên gối khoe đôi chân trắng hồng của con nhìn yêu không chịu nổi. Chị mệt và rũ chân mà thấy con bé tíu tít, hớn hở không nỡ chùn chân. Cô, nhanh chút nữa. Có gì bên ấy hả con? Mùa Xuân ạ! Cái gì cơ? Cô không biết Mùa Xuân á? Hay cô không tin con. Rồi nó bật cười khanh khách, đưa tay lên môi kiểu như bí mật không thể tiết lộ thêm í. Rồi lại kéo chị chạy nhanh hơn nữa. Đã sắp đến đỉnh đồi. Con bé mồ hôi nhễ nhại, nhưng gương mặt thì vô cùng phấn khích. Cô, cô nhắm mắt lại đi ạ. Ơ, không cho cô ngắm á? Cô cứ nhắm mắt lại đi mà! Ừa, cô biết rồi. Để chắc ăn, nó còn đòi chị bế, và dùng hai bàn tay bé xíu che lên mắt chị. Đi chầm chậm theo con há! Khi nào con gỡ tay ra cô mới được mở mắt đó. Một, hai, ba. Cô ơi, nhìn kìa! Trước mắt chị là vàng rực bươm bướm, lung linh trong gió, trắng xóa xuyến chi một góc dịu dàng và cả phớt hồng đầy lãng mạn của loài cỏ dại còn sót lại từ những ngày cuối đông. Đẹp không cô? Con phát hiện ra chỗ này đó ạ. Anh cũng đã đến tự lúc nào, cằm cọ vào mái tóc con bé, anh xoa nhẹ bàn tay chị đang lọt thỏm trong lòng tay anh, ấm áp. Con gọi chỗ này là Mùa Xuân đấy ạ! Không phải mùa xuân sẽ có rất nhiều hoa sao! Cô vui hơn chưa ạ? Đừng khóc nữa nhé! Người lớn, ai lại khóc nhè. Trước giờ bố chưa được ngắm hoa ở đây đâu, bố há? Cô có thích không cô?
Chị lại khóc. Không. Chỉ là bụi bay vào mắt cô đấy con. Hôm nay là sinh nhật cô mà, sao lại khóc con há? Ừ, cô vui mà. Vui lắm Nếp à. Cô sẽ trả trôi lòng mình, thả trôi cảm xúc nhé! Sao cứ phải kiềm lòng? Ừ, thì em sẽ không nghĩ suy gì, không bận lòng gì lúc này nữa đâu anh. Hôm nay em đón tuổi mới, dù những ngày cuối chạp chộn rộn, thì cũng thủng thẳng nhìn xuân đang chầm chậm đến. Phải không anh?

Phù Mỹ, những ngày mưa lũ 2017
L.T.M

2 nhận xét:

  1. Truyện ngắn rất hay.Tôi là btv nxb Văn học. Tôi muốn tuyển truyện ngắn vào sách. Tôi muốn xin liên lạc của nhà văn để liên hệ công việc xin cảm ơn Quý báo.

    Trả lờiXóa
  2. Sdt của tôi. 0983128138 cảm ơn ạ

    Trả lờiXóa